Nâng hạng thị trường chứng khoán: Sức hấp dẫn từ góc nhìn quốc tế - Bài 3
Nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng, nhà đầu tư.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á, dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn, nhờ chính sách kinh tế ổn định, doanh nghiệp phát triển nhanh và các cam kết cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ là cơ hội sinh lời mà còn là "miền đất hứa" trong danh mục đầu tư toàn cầu.
Cơ hội thu hút 25 tỉ USD từ các nhà đầu tư quốc tế
Thị trường cổ phiếu của Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng là nguồn huy động tài chính cho nhiều khu vực kinh tế. Việc được nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn.
Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) mới đây nhận định, trong thời gian tới, với khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần thu hút đầu tư quốc tế ở mức đáng kể để tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ là động lực quan trọng để thị trường chứng khoán của Việt Nam được công nhận là có khả năng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như lượng cổ phiếu có đủ quy mô và thanh khoản để trở nên hấp dẫn.
WB cũng dự báo việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ mở ra cơ hội thu hút 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế tới năm 2030.
WB cũng khẳng định, sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Việt Nam xây dựng khung pháp lý hoàn thiện, nâng cao năng lực cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thị trường, nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.
“
Việt Nam cần có những cải thiện cụ thể để được nâng hạng thành thị trường mới nổi, đồng thời phải có hạ tầng và môi trường tổng thể vững chắc
World Bank
Tuy nhiên WB cho rằng, Việt Nam cần có những cải thiện cụ thể để được nâng hạng thành thị trường mới nổi, đồng thời phải có hạ tầng và môi trường tổng thể vững chắc. Điều đó có nghĩa là quy định phải ổn định, thực thi mạnh mẽ, hình thành giá cả tin cậy và minh bạch trong doanh nghiệp, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng thị trường hiệu quả và đáng tin cậy cho các khâu giao dịch, bù trừ và thanh toán, cũng như hạ tầng thông tin.
Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025 sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Một điểm thú vị của thị trường chứng khoán là khả năng nhìn trước các sự kiện lớn. Trước khi FTSE đưa ra quyết định cuối cùng về việc nâng hạng, sẽ chứng kiến sự sôi động của thị trường với thanh khoản tăng mạnh và dòng vốn ngoại đổ vào.
Điều này cũng tương tự thanh khoản và diễn biến của chỉ số chứng khoán tại Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc đều ghi nhận xu hướng tích cực trước thời điểm được FTSE chấp thuận nâng hạng trước đây khi đón nhận dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.
“Một điều cần lưu ý là diễn biến thị trường chứng khoán còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội, tình hình địa - chính trị tại mỗi quốc gia ở từng thời điểm, yếu tố nâng hạng không phải là điều kiện chính tác động đến diễn biến chứng khoán” - ông Long nói.
Những ngành hàng hưởng lợi từ việc nâng hạng
Ông Nguyễn Duy Anh - Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), cho biết, trên thị trường tài chính toàn cầu, quỹ đầu tư thụ động luôn không ngừng tìm kiếm những thị trường mới nổi để đa dạng hóa danh mục. Việc Việt Nam được FTSE nâng hạng sẽ tự động đưa cổ phiếu vào danh mục đầu tư của những quỹ này. Điều này đồng nghĩa với một lượng vốn khổng lồ sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thúc đẩy thanh khoản và tạo ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Khi đó, dự kiến sẽ có khoảng 500-600 triệu USD vốn đầu tư thụ động chảy vào thị trường Việt Nam, chưa kể đến các quỹ đầu tư chủ động. Con số này đủ sức tạo nên một làn sóng đầu tư mới, thổi một “luồng gió tươi mát” vào thị trường chứng khoán.
“Còn với việc được MSCI nâng hạng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể, ước tính từ 4 đến 5 tỉ USD. MSCI là một trong những nhà cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới, vì vậy quyết định nâng hạng của họ sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền đầu tư toàn cầu” - ông Anh nhận định.
Theo ông Nguyễn Duy Anh, với việc nâng hạng, những cổ phiếu vốn hóa lớn đáp ứng tiêu chí của FTSE và MSCI sẽ là động lực chính thúc đẩy thị trường. Đồng thời, các ngành tiêu dùng, bán lẻ sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào sẽ tạo ra cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp, công nghệ cao và các ngành công nghiệp phụ trợ. Thậm chí, cả doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng tăng trưởng cũng sẽ được hưởng lợi.
Theo ông Trần Thăng Long, khi được nâng hạng theo các chỉ số FTSE hay MSCI sẽ mang đến hai hiệu ứng rõ rệt. Đầu tiên, các Quỹ ETF theo dõi chỉ số sẽ buộc phải mua vào một lượng lớn cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản cao, vốn đã quen thuộc với nhà đầu tư trong nước qua chỉ số VN30. Thứ hai, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, vốn đã quan tâm đặc biệt đến các ngành như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, tiêu dùng và logistics, sẽ gia tăng đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn Việt Nam
Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital cho biết, doanh số bán trước của các đơn vị nhà ở tăng khoảng 40% trong năm 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành lên khoảng 20% vào năm 2025. Trong ngắn hạn, nhu cầu đối với nhà ở tầm trung (khoảng 1.500-2.000 USD/m²) đang rất mạnh, và có nhiều dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ trong phát triển bất động sản sẽ tiếp diễn. Ngành ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận từ 14% trong năm 2024 lên 17% trong năm 2025, nhờ vào việc giảm chi phí tín dụng.
Tâm lý tiêu dùng tại Việt Nam đã dần phục hồi trong năm 2024 và kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng doanh thu bán lẻ thực đạt 8-9% trong năm 2025. Điều này sẽ thúc đẩy doanh thu của các công ty tiêu dùng. Doanh số sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu như điện thoại thông minh và máy tính xách tay sẽ tăng vượt trội so với tổng doanh thu bán lẻ, vì người tiêu dùng thường thay thế những sản phẩm này sau 3-4 năm.
Theo ông Michael Kokalari, tiêu thụ thép tại Việt Nam sẽ tăng 10% trong năm 2025 nhờ vào sự phục hồi của ngành bất động sản và sự tăng trưởng dự kiến 15-20% trong xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành lên 25% trong năm 2025.
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính:
Sự ổn định hấp dẫn dòng vốn ngoại
Bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động, khó khăn thì kinh tế Việt Nam vẫn giữ ổn định suốt thời gian dài.
Một khi các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt, không có lý do thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn dựa trên một nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tốt, lại có rủi ro cao.
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn tốt. Thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch với những cải cách mạnh mẽ cho mục tiêu nâng hạng thị trường. Các nền tảng này sẽ ngày càng hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Bài 1: Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán: Những cú hích tăng trưởng
Bài 2: Dòng tiền nội lấn át ngoại
Đón đọc bài 4: Nhà đầu tư đón đầu cơ hội lớn 2025