Nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam còn thiếu những điều kiện nào
Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging), tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí.
Trong báo cáo thị trường tuần 17/4-21/4, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nêu chủ đề Việt Nam và câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trước năm 2025.
Ngân hàng thế giới (World Bank) và tổ chức FTSE Russell đã làm việc, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nâng hạng và gần nhất vào tháng 5/2022, UBCKNN đã ký văn bản hợp tác với Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) về việc hỗ trợ nâng hạng.
Theo các báo cáo đánh giá gần nhất của MSCI và FTSE, Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chí và cần phải cải thiện để sớm được nâng hạng thị trường, bao gồm: Thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách; vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.
Theo BSC, nhìn chung Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging). Tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí – tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.
Một số các tiêu chí như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, cho vay chứng khoán và bán khống là những vấn đề cần thời gian để cải thiện, nhưng đây chưa phải là các yếu tố bắt buộc cần có để được nâng hạng. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đưa hệ thống giao dịch mới (KRX) vận hành trong 2023 sẽ là một điểm đáng lưu ý đối với 2 tổ chức xếp hạng cho các kỳ đánh giá còn lại trong năm.
Điều gì chờ đợi thị trường nếu chính thức được nâng hạng?
Theo BSC, trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ có thể được hưởng lợi ở một số khía cạnh như nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, tăng cường tính hấp dẫn của thị trường...
Đặc biệt, dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF – tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ “đổ” vào thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lớn.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, tính đến hết 31/03/2023, hiện đang có 470 quỹ với tổng quy mô 890 tỷ USD bao gồm 155 Quỹ ETF (quy mô 338 tỷ USD) và 315 quỹ mở (quy mô 552 tỷ USD) đang đầu tư vào thị trường chứng khoán mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE, trong đó tỷ trọng các quỹ tham chiếu theo MSCI (88%) nhiều hơn so với FTSE (12%).
Theo ước tính của BSC, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi, sẽ có khoảng 3,5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu thị trường Philippines (được FTSE xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.
Do Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE nên ở kịch bản gần nhất, khi được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp, thị trường dự kiến sẽ đón nhận khoảng 1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE – tương đương với quy mô thị trường Philippines hiện tại.