Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Tháo gỡ hai vướng mắc về ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu nước ngoài
Ngày 29/8/2023, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì Hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác bàn thảo những giải pháp, hướng tới nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam...
Ngày 29/8/2023, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì Hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác với chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam – hướng tới vị thế thị trường mới nổi”.
Hội nghị được phối hợp tổ chức cùng Hiệp Hội Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA) với sự hỗ trợ của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm bàn thảo những giải pháp, hướng tới nâng hạng cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
NÂNG HẠNG CẬN BIÊN LÊN MỚI NỔI TRƯỚC 2025
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Việt Nam hướng đến nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó, riêng nhóm VN30 đã có 100% doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới hỗ trợ cho nâng hạng cũng đã được quy định rõ ràng hơn trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 96/2020/TT-BTC.
Sắp tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo thị trường chứng khoán tăng tính minh bạch, công khai, bền vững, hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để các cơ quan quản lý hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Đồng thời, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết, tháo gỡ các nhóm vấn đề.
HAI VẤN ĐỀ CỐT LÕI CẦN THÁO GỠ
Theo đánh giá chung các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding); và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Hội nghị lần này, đây tiếp tục là 2 vấn đề đặc biệt được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Theo các nhà đầu tư, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đã được quy định trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP, trong đó ngân hàng lưu ký phải được là thành viên thanh toán bù trừ; và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự cần thiết.
Riêng đối vấn đề prefunding, khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, thì giải pháp triển khai hệ thống CCP trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Nếu không khắc phục được vấn đề prefunding thì câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết, trong khi chờ CCP, hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề ký quỹ trước giao dịch. Còn về lâu dài, CCP phải được triển khai, trong đó các ngân hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ bên cạnh các công ty chứng khoán, tuy nhiên điều này cần sự cho phép từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Ông Lyndon Chao - đại diện Hiệp hội các Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA) đánh giá, Việt Nam đã và đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng.
Theo Viện Nghiên cứu McKinsey, gần 70% người tiêu dùng Việt Nam có cái nhìn lạc quan về tương lai. Các nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục tăng cường đầu tư vào châu Á và Việt Nam là điểm đến đầu tư nổi bật trong tương lai ở châu Á, khi nỗ lực cải cách thị trường của cơ quan quản lý sẽ giúp các nhà quản lý quỹ toàn cầu tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn.
Các nhà đầu tư khác cũng bày tỏ sự đánh giá cao và thực sự mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm và đặt ra đối với Việt Nam đó là cần tiếp tục thúc đẩy một thị trường vốn minh bạch, lành mạnh và tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Sau Hội nghị, Đoàn công tác của Ủy ban Chứng khoán cũng đã có các cuộc họp song phương với các tổ chức xếp hạng thị trường để cập nhật một số thông tin về các giải pháp cũng như cam kết của Lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN trong các nỗ lực thúc đẩy nâng hạng thị trường Việt Nam thời gian qua, cũng như chia sẻ một số định hướng chính sách trong thời gian sắp tới.