Nặng lòng gìn giữ văn hóa dân tộc Giáy

Người Giáy còn gọi là Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ, là dân tộc nói tiếng Bố Y, sống chủ yếu ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái… Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thì vẫn có những người con của đồng bào dân tộc Giáy nặng lòng, tâm huyết gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Người Giáy chuẩn bị lễ vật mừng năm mới. Ảnh: Ngô Khiêm

Người Giáy chuẩn bị lễ vật mừng năm mới. Ảnh: Ngô Khiêm

Nhắc đến dân tộc Giáy, đầu tiên phải nhắc đến nhà thơ Lò Ngân Sủn, một “cây đại thụ” không chỉ của dân tộc Giáy mà còn của nền văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông sinh ra ở Bản Vền, xã Bản Qua, thị xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai và nguyên là Chủ tịch Hội Văn nghệ Lào Cai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhiều người biết đến ông qua bài thơ nổi tiếng “Chiều biên giới”. Bài thơ được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc với những giai điệu rất đỗi quen thuộc, gần gũi: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/Như chồi xanh cỏ biếc/Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta...” đã đi vào lòng người nghe suốt hơn 40 năm qua. Còn với lực lượng BĐBP, bài hát như một lời mời gọi, một niềm tự hào, một sự thôi thúc để các chiến sĩ vững tay súng, chắc niềm tin canh giữ biên cương Tổ quốc.

Không chỉ vậy, Lò Ngân Sủn còn có công sưu tầm, dịch từ tiếng Giáy sang tiếng Việt hai tác phẩm “Tục ngữ Giáy” và “Bước đầu tìm hiểu về văn hóa người Giáy” như một cách tìm tòi rồi gọt giũa, lau mài cho vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình sáng lên, đẹp mãi. Đây chính là công trình đề cập khá toàn diện các phương diện đời sống sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của người Giáy mà chính tác giả là một thành viên của cộng đồng đó.

“Bước đầu tìm hiểu về văn hóa người Giáy” được giới nghiên cứu cho rằng, nó vừa có giá trị khảo cứu dân tộc học, xã hội học, đồng thời cũng gợi ra nhiều ý tưởng hay cho các công trình nghiên cứu về các sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của dân tộc Giáy trong quá trình cùng các dân tộc khác tiến vào thế giới hiện đại, văn minh.

Đi sâu tìm hiểu về dân tộc Giáy, tôi còn biết có nhiều người suốt những năm qua lặng lẽ, âm thầm tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình. Có thể kể đến ông Hoàng Chinh Xiềng ở xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã sưu tầm được hàng trăm bài dân ca, câu đố, tục ngữ dân tộc Giáy (hát bên mâm rượu, hát trước mặt quan khách, hát hỏi thăm, hát trao dâu...), khái quát về dân tộc Giáy, như: Tên gọi, địa danh, lễ Tết, làm nhà, cưới xin, sinh đẻ, tang ma và các phong tục thờ cúng, tổ tiên, cúng thần... Rồi Nghệ nhân Ưu tú Sần Cháng quê ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai. Đến nay, ông Cháng đã xuất bản được 7 tác phẩm về phong tục, tập quán, văn hóa của người Giáy, như: “Vương chang hằm” (hát giao duyên ban đêm), “Dân ca trong đám cưới người Giáy”, “Một số phong tục, tập quán người Giáy”, “Giới thiệu Mo tang lễ”, “Mo tang lễ”, “Đám cưới dân tộc Giáy”, “Tục ngữ, thành ngữ người Giáy”, cùng nhiều tập bản thảo đang trong quá trình “thai nghén”.

Không chỉ xuất hiện những nhà nghiên cứu văn hóa mà ở một số địa phương, đồng bào dân tộc Giáy còn thành lập những câu lạc bộ, đội văn nghệ dành cho nhiều lứa tuổi. Nếu như lứa tuổi trung, cao niên có Đội văn nghệ và đội kèn Pí lè thôn Làng Toòng, ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, thì lứa tuổi thanh, thiếu niên có câu lạc bộ “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy” của Đoàn Thanh niên phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Câu lạc bộ “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy” thành lập cuối năm 2018, hiện nay có gần 30 thành viên, tập trung chủ yếu ở 2 loại hình hát dân ca và múa truyền thống của dân tộc. Những câu lạc bộ, đội văn nghệ này đã không chỉ làm tốt sứ mệnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy mà còn tạo được sân chơi bổ ích, lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn.

Vũ Thị Ngọc Hướng – một người trẻ đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc Giáy. Ảnh: Ngô Khiêm

Vũ Thị Ngọc Hướng – một người trẻ đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc Giáy. Ảnh: Ngô Khiêm

Điển hình như chị Vũ Thị Ngọc Hướng (sinh năm 1999, người dân tộc Giáy, hiện đang là sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế học, Đại học Hà Nội) có nhiều nỗ lực gìn giữ, quảng bá văn hóa dân tộc mình. Hướng là người đã tự lập kênh YouTube “Hướng Giáy Sa Pa” để đưa lên những video về ẩm thực, như làm bánh chưng đen, bánh rợm, bánh trung thu; video đọc truyện, như “E toi - Pạc túa pít mè (bản tiếng Giáy và tiếng Việt), “Quê hương người Giáy”; video âm nhạc như “Vươn dú càu - Hát về bạn cũ”, “Vươn sroong ráu - Hát về hai chúng mình”... Sau mỗi video đưa lên, Hướng nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng những lời động viên, khuyến khích của đồng bào dân tộc Giáy ở nhiều nơi.

Trò chuyện cùng tôi, Hướng bảo, mình khát khao được lan tỏa tinh thần, sự ham tìm hiểu văn hóa dân tộc mình cho các bạn trẻ người Giáy, để dù xã hội có phát triển và hòa nhập đến đâu thì văn hóa Giáy vẫn lấp lánh như viên ngọc quý và là niềm tự hào của mỗi người con dân tộc Giáy khi nghĩ về quê hương, bản quán và dân tộc mình.

Nghĩ về sự nỗ lực của một số người trong cộng đồng dân tộc Giáy với văn hóa của dân tộc mình, tôi tin tưởng rằng, rồi đây họ sẽ phục hồi được những giá trị đã và đang có nguy cơ mai một. Giữ gìn và lan tỏa văn hóa dân tộc Giáy cũng chính là đang đóng góp, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-long-gin-giu-van-hoa-dan-toc-giay-post440441.html