Nặng lòng khúc hát quê hương

Trong khi nhiều dòng nhạc mới được du nhập và phát triển ở khắp nơi thì ở thôn Tân An, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Hương Quê vẫn miệt mài, đam mê, tâm huyết với âm nhạc truyền thống. Họ cất cao tiếng hát dân ca sau những giờ lao động với bộn bề công việc.

Các thành viên CLB Dân ca Hương Quê biểu diễn quan họ. Ảnh: THIÊN LÝ

Các thành viên CLB Dân ca Hương Quê biểu diễn quan họ. Ảnh: THIÊN LÝ

Những giai điệu chân quê, mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm đã đưa các thành viên trong CLB Dân ca Hương Quê đến gần nhau hơn, cùng góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.

Thỏa niềm đam mê, hướng về nguồn cội

Thành lập cách đây 2 năm với tên gọi CLB Dân ca Hương Quê, đến nay, CLB này đã thu hút 32 thành viên tham gia. Không xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, họ chỉ là những nông dân, viên chức, công chức và cán bộ về hưu nhưng có chung niềm đam mê với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Kinh phí hoạt động của CLB hầu như đều do các thành viên tự đóng góp; họ cũng tự chuẩn bị từ phục trang đến đạo cụ biểu diễn. Tuy điều kiện còn thiếu thốn, trang thiết bị chỉ là những dụng cụ đơn giản, nhưng tất cả thành viên đều kiên trì tập luyện với niềm đam mê tự đáy lòng. Qua thời gian tập luyện kiên trì, đến nay, các thành viên CLB đã nhuần nhuyễn nhiều điệu múa, bài ca…

Theo ông Chu Bá Kỳ, Chủ nhiệm CLB Dân ca Hương Quê, hầu hết thành viên trong CLB có gốc gác ở các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... nên các làn điệu dân ca Bắc Bộ, nhất là dân ca quan họ đã ăn sâu vào mỗi người. “Trung bình mỗi tuần CLB sinh hoạt một lần. Sau một ngày bận rộn, những câu hát dân ca lại vang lên. CLB đã duy trì và tổ chức khá bài bản các hoạt động tại nhà văn hóa thôn vào những ngày lễ, tết hay ngày hội đại đoàn kết toàn dân…”, ông Kỳ cho biết.

Tham gia CLB này, nhiều người ban đầu chưa biết đàn hát thì nay đã trở thành những thành viên “chắc tay đàn, ngọt giọng hát”. Đồng thời, nhiều người cũng tự tìm tòi, bổ sung thêm các làn điệu dân ca nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở. Các bài hát, điệu múa đều được CLB dàn dựng, tập luyện kỹ lưỡng trong mỗi dịp tham gia hội thi văn nghệ do xã, huyện tổ chức. Ngoài tập luyện, tổ chức biểu diễn ở địa phương, CLB còn thường xuyên giao lưu với các CLB khác trong và ngoài huyện…

Bà Đỗ Thị Hằng, thành viên CLB Dân ca Hương Quê chia sẻ: “Tôi và nhiều chị em tham gia CLB vừa để thỏa niềm đam mê vừa hiểu hơn về dân ca, dân vũ của quê hương, đất nước mình…”.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống

Là những người sống xa quê nên lúc nào các thành viên trong CLB Dân ca Hương Quê cũng đau đáu nỗi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn qua các ca khúc: Trầu cau quan họ, Những cô gái trên quê hương quan họ... Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ nhiệm CLB Hương Quê, dân ca quan họ Bắc Ninh mang đậm bản sắc của người dân Kinh Bắc, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. “Qua những làn điệu, lời ca này chúng tôi muốn giới thiệu chia sẻ về di sản mà mình luôn nâng niu, gìn giữ, như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Hơn hết, thông qua những làn điệu quan họ thắm tình, lời đối đáp vui tươi, hóm hỉnh, dí dỏm và không kém phần duyên dáng, chúng tôi muốn đưa mọi người về với Bắc Bộ để hiểu rõ hơn nguồn mạch tâm hồn của các liền anh, liền chị”, bà Thu nói.

Với nỗ lực bền bỉ, CLB Dân ca Hương Quê cũng như các CLB dân ca khác đã và đang góp phần gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc mà cha ông để lại. Với tất cả nhiệt huyết, tình yêu với âm nhạc truyền thống của quê hương, các thành viên CLB đã và đang góp phần để những giai điệu ngọt ngào của cha ông xưa mãi ngân vang.

Trong dòng chảy của cuộc sống, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian lại đang dần mai một. Việc CLB Dân ca Hương Quê tìm cách níu giữ và khôi phục những làn điệu dân ca truyền thống là điều đáng trân trọng. Ông Phan Thanh Quyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh nhìn nhận: “CLB Dân ca Hương Quê là một trong những điểm sáng của phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện Sông Hinh. Các thành viên CLB rất năng động, đoàn kết, tích cực trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hy vọng sẽ có thêm nhiều CLB như vậy ra đời, góp phần truyền tình yêu nghệ thuật dân tộc trong cộng đồng hôm nay và mai sau”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/296961/nang-long-khuc-hat-que-huong.html