Nặng lòng với truyền thống quê hương

Nghe Ðiểm Du lịch sinh thái Cà Mau (Cà Mau - ECO) có dành một khu vực tái hiện Làng rừng trong kháng chiến, tôi háo hức tìm đến. Ðiều tò mò là xem mô hình được phục dựng thế nào và biết thêm về chủ nhân của ý tưởng thú vị này.

Trước mặt tôi là cô chủ của điểm du lịch, bạn Ngô Huỳnh Trang, tuổi vừa bước qua 40. Cảm nhận ban đầu, đó là một phụ nữ bản lĩnh, tính cách mạnh mẽ, năng động và quyết đoán. Sau quá trình học hành, làm việc tại một số công ty ở TP Hồ Chí Minh và Cà Mau, Trang quyết định lui về làm kinh tế riêng và lập ra điểm du lịch sinh thái nơi đây (tại ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, quê ngoại mình).

Nhà lợp bằng vỏ tràm, điểm độc đáo của Làng rừng, được tái hiện tại điểm Du lịch sinh thái Cà Mau.

Nhà lợp bằng vỏ tràm, điểm độc đáo của Làng rừng, được tái hiện tại điểm Du lịch sinh thái Cà Mau.

Tập trung tìm hiểu về chủ đề tái hiện Làng rừng, như “bắt trúng” mạch nguồn cảm xúc, Trang chia sẻ: “Từ lâu tôi có mong muốn không chỉ giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương đến với các tỉnh bạn, bạn bè quốc tế mà còn muốn các bạn trẻ quê nhà, kể cả tuổi mầm non, tiểu học hiểu được những nét đặc trưng văn hóa cũng như lịch sử quê hương mình. Và khi tái hiện lại Làng rừng, tôi mong muốn là sau khi mọi người vào trải nghiệm xong, thật sự phải đọng lại điều gì đó. Ðể khi mấy bạn đi ra khỏi Làng rừng, mấy bạn tự hỏi, đã có biết bao nhiêu thế hệ đã dày công như vậy, hy sinh như vậy để cho mình được sống trong độc lập, tự do như hôm nay. Mình phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh đó. Ðây cũng là câu hỏi mà ngày xưa khi đi vào Ðịa đạo Củ Chi, trải qua các căn hầm ở đó xong, tôi rất xúc động và cũng tự hỏi mình”.

Một phút lắng đọng tâm tư, Trang chia sẻ tiếp: “Ngày hôm nay mình làm công việc gì đều có nhận lại quyền lợi. Chẳng hạn đi làm thì có lương, học thì sẽ có bằng cấp và hứa hẹn tương lai tươi sáng. Và mình cũng làm chủ được công việc của mình. Còn các cô chú ngày xưa, họ làm bất cứ việc gì được phân công, dù khó khăn gian khổ đến đâu vẫn làm và đâu biết được ngày mai mình còn sống hay chết. Tôi có nghe câu chuyện, trong chương trình bình dân học vụ, các chú bộ đội đi đâu cũng có viên phấn và cuốn sổ để dạy chữ. Có người mới dạy hôm trước, hẹn hôm sau trả bài nhưng chưa kịp thì đã hy sinh. Họ cứ chiến đấu, hy sinh như thế chỉ để mong đất nước được hòa bình, độc lập, chứ không mưu cầu danh lợi gì cho riêng mình. Tôi thấy cần truyền tải giá trị đó đến với các em...”.

Trang nhìn nhận: “Xã hội bây giờ rất nhiều người có điều kiện, họ đi du lịch, họ tham gia các chương trình thiện nguyện. Họ sẵn sàng bỏ tiền xây dựng nhà cho người khó khăn. Họ luôn hướng tới điều tốt đẹp. Nhưng tôi cũng nhận thấy, mình còn ít chương trình nhớ về cội nguồn, nhớ về truyền thống. Làm du lịch đáp ứng nhu cầu khách tham quan kết hợp lồng ghép giáo dục truyền thống, như vậy theo tôi càng có ý nghĩa. Và suy nghĩ này càng thôi thúc trong tôi”.

Là thế hệ sống trong hòa bình, lớn lên đi học và làm việc xa quê hương, bạn không biết bắt đầu từ đâu. “Ban đầu cũng chưa nghĩ sẽ làm việc gì cụ thể. Ðược anh Nguyễn Chí Tâm, bấy giờ là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trần Văn Thời, gợi ý, tôi thấy mô hình Làng rừng phù hợp nên hình thành ý tưởng...”, Trang trần tình.

Tài liệu về Làng rừng Cà Mau rất hiếm, tìm trên mạng không thấy, sau bao nỗ lực bạn cũng được giới thiệu, kết nối, gặp gỡ một số người từng sống trong Làng rừng, cũng như người tìm hiểu về đề tài này. Vậy rồi bạn tích góp ý tưởng làm từng bước, từng bước, vừa làm vừa tham khảo thêm. “Tôi biết ơn nhiều người, như anh Nguyễn Văn Quynh, khi đó là Trưởng ban Quản lý Khu Tưởng niệm Bác Hồ, người bỏ không ít thời gian nghiên cứu về Làng rừng, đã hỗ trợ mình nhiều thông tin để triển khai ý tưởng; chú Út Nhì bên xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) và một số chú sống trong Làng rừng ngày xưa, đã mô tả cho mình hiểu biết thêm về Làng rừng. Ðặc biệt, giai đoạn sau gặp được chú Thanh Quang và chú giới thiệu thêm chú Sáu Sơn, là người từng sống trong Làng rừng và tâm đắc về đề tài này, hai chú đã hỗ trợ hết mình để mọi thứ dần hoàn thiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất...”, Trang bày tỏ.

Có mặt tại buổi gặp gỡ, Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) bộc bạch: “Sau giải phóng, mình nghĩ là sẽ phục dựng lại mô hình Làng rừng, nhưng đến bây giờ, gần 50 năm rồi, vẫn chưa làm được. Khi tôi đến đây thì thấy Trang đã tiến hành làm cũng khá nhiều rồi. Tôi thấy nể phục, còn trẻ mà nghĩ ra ý tưởng này và dám mạnh dạn đầu tư, phải là người tâm huyết, bản lĩnh và có tấm lòng mới làm được. Vì vậy, bằng những hiểu biết của mình, tôi xem những gì thể hiện ở đây được thì hỗ trợ”.

Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (bìa trái) và Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Võ Thanh Quang (bìa phải), rất tâm đắc với ý tưởng làm mô hình Làng rừng và hết lòng hỗ trợ bạn Ngô Huỳnh Trang (thứ hai, phải sang) chủ điểm Du lịch sinh thái Cà Mau, hiện thực hóa mô hình.

Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (bìa trái) và Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Võ Thanh Quang (bìa phải), rất tâm đắc với ý tưởng làm mô hình Làng rừng và hết lòng hỗ trợ bạn Ngô Huỳnh Trang (thứ hai, phải sang) chủ điểm Du lịch sinh thái Cà Mau, hiện thực hóa mô hình.

Tái hiện Làng rừng, nếu chỉ là mô hình thì chưa đủ để du khách hình dung. Nhớ Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh có tập ảnh “Quê tôi thời chiến” ghi lại nhiều hình ảnh thời chiến ở vùng đất quê hương, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Thanh Quang đã chủ động liên hệ với gia đình Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đàm phán ký hợp đồng sử dụng ảnh trả nhuận bút (cả thảy gần 50 ảnh). Sau đó về chỉnh sửa cho rõ nét, bố cục lại thành nhóm, tạo thành câu chuyện ảnh theo chuỗi theo thời, sự kiện, rồi nhờ làm ảnh với chất liệu để lâu được ngoài thiên nhiên...

“Nghe Trang kể ý tưởng sẽ làm mô hình Làng rừng, tôi thấy có sự khác biệt trong cách làm du lịch. Sự khác biệt này mang tính giáo dục truyền thống cho cộng đồng nên tôi thấy có trách nhiệm giúp đỡ được gì thì cứ giúp...”, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Thanh Quang phân trần.

Làng rừng trong kháng chiến là một thành quả vĩ đại và đầy tính sáng tạo, độc đáo của quân và dân Cà Mau. Gần 10 cụm nhà tái hiện, không thể nói hết được những gì đã có ở Làng rừng thời ấy, nhưng trên cơ bản cũng giúp khách tham quan, thế hệ trẻ hình dung được phần nào về một thời kỳ lịch sử đen tối, những mất mát hy sinh của thế hệ đi trước và sức sống mãnh liệt, bản lĩnh kiên cường của con người trong bom đạn chiến tranh. Qua đó, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc kế thừa, phát huy truyền thống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bạn Ngô Huỳnh Trang cho biết, đang tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh mô hình, đồng thời huấn luyện người thuyết minh. Dự kiến, khoảng giữa tháng 8/2024 sẽ ra mắt Làng rừng. “Tôi sẽ tổ chức một buổi khai trương, mang tính chất báo cáo với ngành chức năng và các cô chú lãnh đạo, cô chú từng sống ở Làng rừng... Mời mọi người cùng trải nghiệm và sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp để bổ sung, điều chỉnh mô hình sao cho thật giống với Làng rừng của những năm kháng chiến...”, Trang chia sẻ.

Huyền Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nang-long-voi-truyen-thong-que-huong-a33667.html