Năng lực phát triển vũ khí hạt nhân của Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga
Trong bối cảnh xung đột vũ trang với Nga, Ukraine vẫn có năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân. Một số chính trị gia Ukraine bày tỏ mong muốn theo đuổi mục tiêu này.
Lịch sử Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân
Ukraine từng là một quốc gia hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Khi ấy, có hơn 1.700 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái kích hoạt nằm trên lãnh thổ Ukraine. Lãnh đạo Ukraine giai đoạn đó quyết định từ bỏ kho vũ khí này. Các vũ khí hạt nhân được đưa sang Nga dưới sự giám sát của quốc tế. Các phương tiện phóng vũ khí hạt nhân đã bị phá hủy. Các hầm phóng tên lửa hạt nhân của Ukraine (ngoại trừ một hầm ở gần Kiev) đã bị cho nổ tung. Các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang bom hạt nhân đã được chuyển sang Nga hoặc đem đi tiêu hủy.
Tuy không còn vũ khí hạt nhân, Ukraine vẫn sở hữu nhiều chuyên gia về hạt nhân. Ngoài ra, còn có 5 nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở Ukraine thời Liên Xô, đó là Zaporozhye, Rovno, Khmelnitsky, Nam Ukraine, và Chernobyl.
Bên cạnh đó, urani được khai thác từ một mỏ khoáng ở tỉnh Kirovograd (Ukraine) và làm giàu tại nhà máy ở thành phố Zheltye Vody. Vào thập niên 2020, đã có kế hoạch hợp tác với hãng Rosatom của Nga để xây một nhà máy ở Ukraine chuyên sản xuất nhiên liệu phục vụ các nhà máy điện hạt nhân. Các kế hoạch này bị bỏ dở do chính biến Maidan ở Ukraine vào năm 2014 (sau sự kiện Maidan, Ukraine thay đổi thái độ đối với nước Nga).
Hiện tại 3 trong số 5 nhà máy nói trên vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Chernobyl đã được cho "nghỉ hưu" vào năm 2020, còn Zaporozhye - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga sau khi họ mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2/2022.
Quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân bên trong Ukraine hiện nay
Lực lượng dân tộc cực đoan ở Ukraine đặc biệt bất mãn với việc nước này từ bỏ vị thế sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhiều tuyên bố của họ chứa đựng các cụm từ kêu gọi khôi phục kho vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
Tuyên bố cương lĩnh của tổ chức "Người yêu nước Ukraine" đề cập đáng kể việc phục hồi vũ khí hạt nhân. Tổ chức này được lập ra vào năm 2014.
Năm 2009, "Hội đồng khu vực Ternopil" yêu cầu lãnh đạo nhà nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội Ukraine giai đoạn đó chấm dứt Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 (về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân) và khôi phục lại vị thế hạt nhân của Ukraine.
Mong muốn của Ukraine về sở hữu vũ khí hạt nhân gia tăng đặc biệt sau tháng 2/2014. Tháng 3 năm đó, trả lời phỏng vấn của báo USA Today, nghị sĩ Ukraine Pavel Rizanenko đã gọi việc Ukraine gia nhập "Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân" là một "sai lầm lớn". Sau đó vài ngày, đại diện của đảng Batkivshchyna đệ trình dự luật về rút khỏi hiệp ước nói trên.
Tháng 9/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valery Geletey cũng bày tỏ mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân.
Tháng 12/2018, cựu Đại diện của phái đoàn Ukraine tại NATO, tướng Pyotr Garashchuk, tuyên bố Ukraine có khả năng thực sự tạo ra vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Năm 2019, Aleksandr Turchinov gọi việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân là "sai lầm lịch sử".
Tháng 4/2021, Đại sứ Ukraine tại Đức Andrey Melnik tuyên bố rằng nếu phương Tây không giúp đỡ Ukraine đối đầu với Nga thì Ukraine sẽ phát động chương trình hạt nhân của mình và tự chế tạo bom hạt nhân.
Vào ngày 19/2/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố tại Hội nghị an ninh Munich rằng Ukraine có quyền từ bỏ Bản ghi nhớ Budapest 1994.
Khả năng kỹ thuật chế tạo bom hạt nhân
Ukraine thực sự có khả năng đó. Làm giàu urani-235 đến mức tinh khiết cần thiết để tạo ra phản ứng dây chuyền là rất tốn kém do phải tạo ra các máy ly tâm tách các đồng vị. Nhưng bên cạnh phương pháp tách đồng vị như thế này, còn có công nghệ khác, như đã dùng để tạo ra quả bom nguyên tử thả xuống 2 thành phố Nhật Bản trong năm 1945.
Hơn nữa, ngoài bom urani còn có bom plutoni.
Các lò phản ứng breeder được sử dụng để tổng hợp nguyên tố hóa học này, thường sử dụng công nghệ lò phản ứng nước nặng. Các lò phản ứng nghiên cứu có năng lực sản xuất plutoni cấp độ vũ khí.
Hiện tại có một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở Viện Vật lý và Công nghệ Kharkov, và một lò phản ứng VVR-M thích hợp sản xuất plutoni tại Viện Nghiên cứu hạt nhân thuộc Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Ukraine ở Kiev.
Bên cạnh đó, Ukraine còn có năng lực kỹ thuật để tạo ra một vũ khí hạt nhân dựa trên urani-233 hơn là urani-235. Mỹ từng thử nghiệm một quả bom tương tự vào năm 1995, với sức công phá tương đương quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản.
Theo RT, có các dấu hiệu gián tiếp về việc Ukraine chuẩn bị cho cả phiên bản hạt nhân urani và plutoni sau năm 2014.
Vào năm 2021, Ukraine hoàn toàn cấm xuất khẩu sang Nga nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng (SNF). SNF là một nguồn cung cấp plutoni cấp độ vũ khí./.