Năng lượng điện hạt nhân và cạnh tranh chiến lược ở Trung Đông
Trang tin Oilprice ngày 19/9/2021 có bài bình luận đưa ý kiến cho rằng trong khi Mỹ tập trung hơn vào mối quan tâm 'xung đột các cường quốc' ở khu vực châu Á, dường như sao lãng việc củng cố lợi ích ở Trung Đông, Trung Quốc và Nga đang thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực, trong đó có việc thúc đẩy các dự án năng lượng điện hạt nhân.
Trung Đông là nguồn trữ lượng lớn về dầu và khí đốt. Rất nhiều nhiên liệu sản xuất hàng hóa và thương mại của châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đến từ Trung Đông. Rất nhiều nền kinh tế thế giới dựa vào năng lượng Trung Đông. Trung Đông cũng là nơi có một số kết nối an ninh quan trọng nhất trên thế giới, là ngã tư của năng lượng và an ninh. Khu vực này có các vị trí chiến lược như Eo biển Hormuz, Kênh đào Suez và Babal Mandab. Trung Đông cũng là nơi nảy sinh một số mối đe dọa khủng bố đối với thế giới như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS), Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Nếu được tạo điều kiện và hỗ trợ, Trung Đông cũng có thể trở thành một trong những “chiếc máy phát điện” tạo ra sự thay đổi và phát triển. Hiện nay, Trung Quốc là một thách thức đối với Mỹ ở Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng là thách thức kinh tế, công nghệ và an ninh mạng đối với Mỹ và thực tiễn này sẽ diễn ra trong một thời gian dài. Trong khi Mỹ tập trung hơn vào “xung đột các cường quốc” ở châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc, ngày càng thấy Mỹ đang giảm dẩn ảnh hưởng ở Trung Đông. Mỹ hầu như đã không phản ứng trước việc Iran vận chuyển nhiên liệu tới Lebanon cùng với sự giúp đỡ của Hezbollah. Mỹ đã đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất ra khỏi Ả rập Xê-út trong khi phiến quân Houthi ở Yemen tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các cơ sở dầu khí của Ả rập Xê-út.
Mỹ đã trao cơ hội ở Trung Đông cho Trung Quốc và Nga
Khi Mỹ điều chỉnh chiến lược đi theo các hướng khác, Trung Quốc đang tiến vào Trung Đông. Với Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đang thúc đẩy quan hệ ở nhiều nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất với hầu hết các nước Trung Đông. Trung Quốc đang xây dựng các đòn bẩy ngoại giao, kinh tế và thậm chí cả quân sự ở Trung Đông. Ngày càng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giành được một miếng trong chiếc bánh điện hạt nhân ở Ả rập Xê-út. Nga cũng đang tạo ra đòn bẩy lớn hơn trong khu vực. Các thỏa thuận quốc phòng lớn gần đây của Nga với Ả rập Xê-út là một ví dụ cho thấy phản ứng của Ả rập Xê-út trước một số động thái của Mỹ trong quan hệ với Ả rập Xê-út. Về cơ bản, chính Mỹ đã mở cửa, trao cơ hội cho Trung Quốc và Nga trong khu vực. Điều này cũng tương tự như khi Mỹ cắt giảm viện trợ quốc phòng cho Ai Cập vài năm trước, Ai Cập đã có mặt tại Moscow để thực hiện các giao dịch quốc phòng và các thỏa thuận khác. Nga đang xây dựng một tổ hợp điện hạt nhân khổng lồ ở bờ biển phía bắc Ai Cập. Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga đang có ảnh hưởng và đòn bẩy trong khu vực nhiều hơn trước.
Tại sao lại liên quan đến nhà máy điện hạt nhân? Bởi vì bất cứ nước nào xuất khẩu được một nhà máy điện hạt nhân sang một quốc gia khác, đều có thể phát triển đòn bẩy và ảnh hưởng ở quốc gia đó từ 80 đến 100 năm. Hiện nay, Nga đang thống trị việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân ở Trung Đông (*), Trung Quốc đứng thứ hai trong khi Mỹ vẫn chưa khởi động lĩnh vực này. Đây là một ví dụ về cách thức Nga và Trung Quốc xây dựng đòn bẩy và ảnh hưởng tại Trung Đông. Phần lớn thực tiễn này diễn ra là do những bước đi sai lầm của Mỹ hoặc đơn giản là Mỹ đã bỏ qua khu vực quan trọng này.
Xung đột các cường quốc không chỉ diễn ra ở châu Á, mà ở ngay Trung Đông
Nếu Mỹ muốn chuyển sang "xung đột các cường quốc" nhiều hơn, cần phải ghi nhận ra rằng “xung đột các cường quốc” không chỉ diễn ra ở châu Á, mà diễn ra ở ngay Trung Đông. Châu Á cũng bắt đầu từ Bán đảo Sinai. Trung Đông là một không gian đầy rẫy tranh chấp. Mỹ nên thúc đẩy xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân và các xuất khẩu tạo đòn bẩy quan trọng khác ở Trung Đông. Mỹ có thể xuất khẩu các nhà máy điện hạt nhân mô-đun nhỏ sang khu vực này, những mô hình có mức độ an toàn cao hơn, khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân cũng thấp hơn so với những nhà máy điện hạt nhân to lớn kiểu cũ. Mỹ có thể củng cố mức độ an toàn của những thỏa thuận thương mại kiểu này bằng cách áp dụng 123 thỏa thuận như đã làm với Các Tiểu vương quốc Ả rập (UAE). UAE có thỏa thuận năng lượng hạt nhân tiêu chuẩn vàng với Mỹ, mặc dù các nhà máy điện hạt nhân ở đây do công ty Hàn Quốc xây dựng. Vừa qua, UAE đã khai trương nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình, nhà máy điện hạt nhân Barakah, tháng 6/2021.
Chính quyền Mỹ rất cần suy nghĩ lại về chiến lược Trung Đông của mình, cần suy nghĩ về một chiến lược với những hoạt động lâu dài, kết nối với những bức tranh lớn về địa chính trị, địa kinh tế, năng lượng, an ninh ở Trung Đông khi vẫn còn chưa quá muộn./.
* Bên cạnh một số nhà máy điện hạt nhân đã xây dựng ở Iran, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân sở hữu nhà nước của Nga Rosatom đã ký hợp đồng xây dựng 4 tổ máy điện hạt nhân, chi phí 26 tỷ USD, được Chính phủ Ai Cập ký hợp đồng cho vay trong 35 năm. Tại Jordan, Rosatom đã ký hợp đồng xây dựng hai tổ máy, trị giá 10 tỷ USD trong đó Chính phủ Jordan sở hữu 50,1% và phần còn lại của Rosatom. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Rosatom sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, trong đó Rosatom nắm giữ 51% cổ phần của dự án.