Năng lượng tái tạo dần chiếm ưu thế
Hoạt động khai thác mỏ hiện chiếm khoảng 7% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Nhưng một số công ty khai thác đang giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất để có chuỗi cung ứng bền vững hơn.
Chuyển đổi tích cực
Nhà máy luyện kim trên đảo Sulawesi của Indonesia do công ty khai thác toàn cầu Vale điều hành và chạy bằng điện từ 3 con đập tạo ra 75.000 tấn niken mỗi năm để sử dụng trong pin, xe điện, thiết bị và nhiều sản phẩm khác.
Dù quá trình nấu chảy kim loại tạo ra lượng khí thải nhà kính lớn, nhưng năng lượng được sử dụng lại tương đối sạch. Việc giảm lượng khí thải có thể xảy ra khi nhu cầu về các khoáng sản quan trọng như niken và coban đang tăng cao do biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Theo công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company, các công ty đang giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khai thác và tinh chế, một phần do áp lực từ các khách hàng ở hạ nguồn muốn có chuỗi cung ứng bền vững hơn.
Nằm bên cạnh hồ nước trong xanh trong khu rừng tươi tốt Sorowako ở phía Nam Sulawesi, Vale Indonesia - một công ty con của Vale International - vận hành các nhà máy luyện kim hoàn toàn bằng thủy điện. Vale cho biết, điều đó có thể giảm lượng khí thải tương đương hơn 1,115 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm so với việc sử dụng dầu diesel. Vale tuyên bố, họ đã giảm gần 20% lượng khí thải nhà kính kể từ năm 2017.
Khi nhu cầu về vật liệu cần thiết cho pin, tấm pin mặt trời và các thành phần quan trọng khác để cắt giảm lượng khí thải toàn cầu tăng lên, lượng khí thải carbon của các thợ mỏ và nhà máy lọc dầu cũng sẽ tăng lên trừ khi các công ty tích cực nỗ lực khử cacbon.
Indonesia là nước sản xuất niken lớn nhất thế giới và Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo đã thúc đẩy nước này phát triển các ngành công nghiệp của riêng mình.
Nỗ lực cắt giảm khí thải và sử dụng năng lượng sạch hơn đã được hỗ trợ bởi sự đầu tư và quan tâm từ các chính phủ và các công ty đa quốc gia. Volvo, Mercedes, Huyndai, Apple và các nhà sản xuất khác cần các vật liệu được sản xuất theo cách bền vững hơn để đáp ứng các cam kết về môi trường, xã hội và quản trị...
Các chuyên gia cho rằng, công nghệ cải tiến, áp lực từ khách hàng và thực thi các chính sách năng lượng sạch đều cần thiết để tiếp tục hướng tới các hoạt động khai thác và tinh chế bền vững hơn, đồng thời nâng cao sản lượng để theo kịp nhu cầu toàn cầu nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
Các công ty và quốc gia khác trên thế giới cũng đang giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động khai thác của họ. Các nhà máy năng lượng mặt trời ở Chile giúp cung cấp năng lượng cho ngành khai thác mỏ, lĩnh vực tiêu thụ phần lớn nhu cầu điện của cả nước để sản xuất đồng, lithium và các vật liệu khác. Trong những năm gần đây, năng lượng gió đã giúp điện khí hóa mỏ Raglan ở Canada.
Ông Michael Goodsite - Phó Hiệu trưởng và giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học Adelaide, Australia - cho biết, các công ty đang học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ của cuộc cách mạng công nghiệp, khi một thời gian dài đã phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển.
Những rào cản
Tuy nhiên, ngay cả những công ty đã thực hiện các bước khử cacbon vẫn còn phụ thuộc vào ít nhất một số nhiên liệu hóa thạch. Tại Vale Indonesia ở Sorowako, than vẫn được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các lò sấy nhưng ở mức độ giảm thiểu. Giám đốc điều hành của công ty, bà Febriany Eddy, cho biết, công ty có kế hoạch chuyển các hoạt động như vậy sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) – sạch hơn nhưng vẫn là một loại nhiên liệu hóa thạch khác, dù nó là lựa chọn tốt nhất hiện có với công nghệ hiện tại.
“Tôi có hai lựa chọn trước mắt: Tiếp tục đợi cho đến khi giải pháp hoàn hảo nào đó xuất hiện, có thể là 15 hoặc 20 năm tới. Hoặc làm việc với LNG trước dù biết đó không phải là giải pháp hoàn hảo. Nhưng với việc chuyển đổi sang LNG, chúng tôi có thể giảm 40% lượng khí thải”.
Việc sử dụng LNG làm “nhiên liệu cầu nối” đã bị các chuyên gia khí hậu tranh cãi, vì nhiên liệu này giải phóng khí mêtan và carbon dioxide làm nóng khí hậu khi nó được sản xuất, vận chuyển và đốt cháy.
Chi phí ban đầu để chuyển đổi, mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo mới là một rào cản lớn khác.
Phải mất hàng chục năm để bù đắp chi phí từ việc xây dựng 3 đập thủy điện ở khu vực xa xôi, dân cư thưa thớt, được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các cơ sở Sorowako của Vale. Nhưng hiện nay, có được cơ sở hạ tầng đó đồng nghĩa với việc tiết kiệm được một khoản lớn vào thời điểm giá năng lượng toàn cầu đang ở mức cao.
Theo bà Aimee Boulanger - Giám đốc điều hành của Sáng kiến Đảm bảo khai thác có trách nhiệm, việc vận hành các hoạt động khai thác được cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch cũng có thể giúp giải phóng nguồn tài chính xanh và thu hút các nhà đầu tư trong tương lai.
“Lĩnh vực tài chính và đầu tư đang được điều chỉnh nhiều hơn bao giờ hết đối với trách nhiệm xã hội và môi trường của chuỗi cung ứng cũng như các khoản đầu tư của họ vào đó. Họ đang theo dõi lượng khí thải nhà kính. Khi thế giới đang hồi phục sau đại dịch Covid-19 và đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu, chưa bao giờ họ lại quan tâm đến những vấn đề này nhiều hơn bây giờ” – bà Boulanger nói.
Tuy nhiên, trong khi nhiều công ty đang tăng cường nỗ lực khử cacbon trong chuỗi cung ứng của mình, thì vẫn có những công ty khác khá thờ ơ với việc sử dụng nguồn nhiên liệu bảo vệ môi trường.
Các nhà đầu tư và người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các công ty cải thiện hoạt động của mình. Nhưng việc loại bỏ dần sự phụ thuộc của ngành khai thác mỏ vào nhiên liệu hóa thạch sẽ rất tốn kém, đặc biệt là khi Mỹ và các quốc gia khác đang xây dựng năng lực để đưa hoạt động sản xuất các vật liệu quan trọng vào đất liền.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nang-luong-tai-tao-dan-chiem-uu-the-5740415.html