Năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Gỡ vướng chính sách cho thị trường 500 tỷ USD (Bài 2)

Với tiềm lực tài chính giai đoạn 2030-2050 vào khoảng gần 500 tỷ USD, thị trường năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam tiếp tục được dự đoán sẽ phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, cùng với đó là hàng loạt những bất cập, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ.

Từ năm 2018, ngành năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam thu hút được sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2018, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt 5,2 tỷ USD, gấp 9 lần so với năm 2017.

Đầu tư NLTT từ vị trí thứ 10 (năm 2018) vươn lên vị trí thứ 3 (năm 2019) trong xếp hạng các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất cả nước (chỉ sau lĩnh vực công nghệ tài chính và giáo dục). Đến năm 2020, tổng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đạt trên 5,1 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với năm 2019; có 113 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất trên 5.700MW được khai thác hết công suất.

Với tiềm lực tài chính giai đoạn 2030-2050 vào khoảng gần 500 tỷ USD, thị trường NLTT tại Việt Nam tiếp tục được dự đoán sẽ phát triển rộng khắp. Trước đó, việc tập trung gỡ vướng chính sách là một trong những công tác được nhiều nhà đầu tư chờ đợi.

Vướng mắc giữa địa phương và Trung ương

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của EVN, bên cạnh công tác thỏa thuận hướng tuyến, hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư các dự án điện quy mô lớn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều tỉnh, thành, địa phương. Hiện tại, thêm một khâu gây lúng túng về thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư (kể cả đầu tư lưới điện truyền tải).

Đối với lĩnh vực NLTT, sau 01 năm Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, dự án điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) và điện gió ngoài khơi tiến độ 2030 vẫn chưa tìm được lối ra trong một loạt vướng mắc về chính sách, thủ tục và vốn cho đầu tư.

Theo nhận định của Petrovietnam, việc triển khai một dự án sẽ liên quan đến khoảng 20 luật, trong khi quy định hiện hành lại chưa đầy đủ, thiếu cả một số nội dung cơ bản. Có ý kiến cho rằng EVN, Petrovietnam là những tập đoàn kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực mà vẫn gặp lúng túng với vướng mắc thì các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào thị trường này.

Một tập đoàn năng lượng đến từ Singapore cho biết, dù được mời đầu tư nhưng dự án gần 100 triệu USD của Tập đoàn tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) cũng vấp phải những vướng mắc thủ tục chủ trương đầu tư.

Còn đó những băn khoăn

TS. Lê Phương Trường, Trưởng Phòng Khảo thí chất lượng - Trường ĐH Lạc Hồng, chuyên gia phụ trách kỹ thuật lĩnh vực NLTT, có chung nhận định, việc chính sách vẫn chưa rõ ràng khiến các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực vẫn còn lo ngại và giữ tâm lý đợi chờ chính sách mới.

Thêm vào đó, từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, TS. Lê Phương Trường cho biết, ở khâu thi công dự án, những bất cập trong quy hoạch dẫn đến sự tắc nghẽn hệ thống truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư dè dặt.

Cụ thể, TS. Trường cho biết, ở những nơi lắp năng lượng mặt trời (NLMT) lớn thì dễ xảy ra mất cân bằng hệ thống. Do NLMT sinh ra dựa trên bức xạ mặt trời, tuy nhiên khi có mây mù chen ngang thì hệ thống bị gián đoạn nên cần phải có hệ thống bù lại rất nhanh. Mà như vậy, hệ thống phát truyền tải điện đòi hỏi phải có quy hoạch phù hợp để không bị rã lưới.

Kế đến, hạ tầng và mạng lưới phân phối chưa phù hợp, một số nơi nhà máy ĐMT rất nhiều nhưng không thể hòa lưới. Do có nhiều hãng tham gia vào thị trường nên chất lượng và giá thành là yếu tố cạnh tranh với nhau rất mạnh mẽ. Công nghệ năng lượng cũng luôn thay đổi rất nhanh chóng. Ví dụ, giai đoạn đầu xây dựng hệ thống năng lượng ĐMT sau tính toán tiền khả thi, diện tích đất đòi hỏi cao, 1 tấm pin 2m2 chỉ có 300W nhưng hiện nay đã lên tới 650W/tấm pin.

Chi phí đầu tư ban đầu vào ĐMT những năm trước rất cao khiến người dân e ngại, nhưng hiện tại, ngay cả khi chi phí giảm thì chi phí xây dựng hệ thống dự trữ năng lượng vẫn đẩy chi phí đầu tư ban đầu lên cao.

Tham gia với vai trò là nhà sản xuất trong lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, ông Đinh Văn Tuân - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Ba Son, một trong những doanh nghiệp nội địa đầu tiên tham gia sản xuất trụ tuabine gió nêu quan điểm: “Vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt là cơ chế chính sách và đơn giá”.

Cụ thể, trong năm 2022, dẫn đầu thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam là một doanh nghiệp ngoại đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng khi Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp duy nhất (IREX) đạt doanh thu 350 tỷ đồng.

Do đó, theo ông Tuân: “Doanh nghiệp Việt Nam đi sau trong lĩnh vực này rất cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ trong việc chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền mới, hiện đại, mới có thể giảm được giá thành sản phẩm, giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi vì nếu không nắm được công nghệ, giá thành sản phẩm sẽ cao, kết quả là sức cạnh tranh thấp không thể tiếp cận được miếng bánh thị trường dù rất tiềm năng".

Theo ý kiến của GS.TS. Hoàng Xuân Cơ – Trưởng Ban Khoa học (Hội Kinh tế môi trường Việt Nam), Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió nối lưới, điện mặt trời nối lưới, áp mái với khả năng phát triển ở nhiều vùng như vùng Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Nam Bộ…và ở mức tổng công suất lắp đặt khá cao. Cho nên, việc xây dựng cơ chế, có chính sách, quy hoạch, kế hoạch tiến hành, thực hiện thật hợp lý, từ khâu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khả thi, có chính sách hỗ trợ hiệu quả thì sẽ xây dựng được nhiều nhà máy điện NLTT trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam cần được đặc biệt chú trọng.

 GS.TS. Hoàng Xuân Cơ đặt nhiều niềm tin vào tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam

GS.TS. Hoàng Xuân Cơ đặt nhiều niềm tin vào tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam

“Chúng ta có thể hy vọng vào phát triển khá nhanh của khoa học, công nghệ, kỹ thuật áp dụng trong ngành điện NLTT. Khoa học công nghệ sẽ từng bước chế tạo được những turbin gió, tấm pin năng lượng mặt trời với hiệu suất cao hơn, giá thành thấp hơn. Mặc dù các thiết bị này Việt Nam chưa sản xuất được nhưng chúng ta phải luôn theo dõi thị trường của các thiết bị này để có thể chọn, áp dụng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam”, chuyên gia chia sẻ.

GS.TS. Hoàng Xuân Cơ còn đặc biệt hy vọng về chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và trợ giá, cho rằng đây là một trong những điều kiện mang tính quyết định sự thành bại của quy hoạch phát triển điện NLTT. Đồng thời, các doanh nghiệp là nơi trực tiếp sản xuất điện NLTT nên sự vào cuộc của họ sẽ quyết định sự thành công của Quy hoạch điện VII. Tất nhiên, doạnh nghiệp chỉ tham gia khi họ có thể thu được lợi nhuận, muốn vậy họ phải chọn địa điểm đầu tư, chọn công nghệ sản xuất, nghe ngóng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tìm hiểu nguồn lực hiện có,... để quyết định tham gia sản xuất điện NLTT. Sự vào cuộc khá rầm rộ vừa qua của các doanh nghiệp có thể là một tín hiệu vui để hy vọng phát triển điện NLTT trong thời gian tới.

Có thời hạn áp dụng từ năm 2021 nhưng tới tháng 5/2023, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện 8) mới được phê duyệt và tháng 4/2024 vừa qua, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 mới được ban hành.

Bài 3: Năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Nhận diện xu thế không thể đảo ngược

Phạm Thủy

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bai-2-go-vuong-chinh-sach-cho-thi-truong-500-ty-usd-90671.html