Nắng nóng, cảnh báo gia tăng các bệnh về da
Mùa hè, các bệnh liên quan đến nắng nóng bắt đầu gia tăng như: Mụn trứng cá, nám da, bỏng nắng… Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số người mắc các bệnh này đã tăng từ 10-15% so với các tuần trước.
Mùa nắng phát sinh nhiều bệnh về da
Tại khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, dù thời tiết khá nóng nực nhưng lượng người đến điều trị, làm các dịch vụ về chăm sóc da vẫn rất đông, tuy nhiên chưa đến mức quá tải do đã có sự sắp xếp theo lịch hẹn từ trước.
Từ khi thời tiết vào hè nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về da tăng lên, phần lớn là điều trị các bệnh liên quan tới nắng nóng, làm đẹp cho kỳ nghỉ hè.
Đang điều trị mụn trứng cá buổi thứ 3, chị Nguyễn Ngọc Lan (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi thuộc nhóm da dầu nên mùa hè thường bị nhờn, mụn mọc nhiều. Mấy ngày nắng nóng vừa qua, tôi thấy tình trạng này nặng hơn do công việc hay phải đi ngoài nắng, bụi bặm nên tôi đến thăm khám và điều trị mụn, chăm sóc da. Hiện da tôi đã đỡ hơn nhiều, các bác sĩ cũng tư vấn cách chăm sóc hợp lý, tránh các đợt mụn tái phát”.
Còn chị Phạm Thanh Hân (31 tuổi, ở Hà Nội), một bệnh nhân điều trị nám má cũng cho biết, mấy hôm nắng nóng cao điểm chị phải đi ngoài đường nhiều, không bảo vệ kỹ càng nên cảm giác da mặt bị rát, vết nám bị lan rộng hơn, chị đi khám và cũng được tư vấn điều trị.
“Tôi phải điều trị ngay từ đầu mùa hè để tránh bị nặng, trước đây tôi ít để ý vấn đề này nhưng gần đây vết nám ở hai bên má có vẻ dày hơn nên tôi phải đi khám”, chị Thanh Hân cho biết.
Đặc biệt mới đây, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đã ghi nhận ca bệnh bị bỏng nắng do đi tắm biển. Trường hợp này, bệnh nhân đã bôi kem chống nắng toàn thân rất kỹ nhưng quá trình hơn 2 giờ đồng hồ tắm biển dưới trời nắng khiến vùng da mặt, cổ, cánh tay bệnh nhân bị sưng nề, bỏng rát, phồng rộp. Các bác sĩ phải dùng thuốc bôi ngoài da kết hợp đường uống để điều trị cho bệnh nhân.
TS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "Vào mùa hè, nhu cầu điều trị các bệnh về da liễu tăng lên đáng kể, đặc biệt là các bệnh liên quan tới nắng nóng như: Mụn trứng cá, nám da, bỏng nắng… Khoảng một tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân tại Khoa tăng lên từ 10-15% so với những tuần trước đó; mỗi ngày tại khoa tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đến khám và điều trị, phần lớn là các bệnh liên quan đến nắng nóng".
Do mới sau quá trình giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân chờ làm dịch vụ cũng nhiều hơn. Nguyên nhân là do mùa hè cũng là mùa du lịch, nhu cầu chị em làm đẹp trước và sau khi đi chơi lên. Nhưng số bệnh nhân điều trị mụn trứng cá ở người trẻ không tăng do học sinh chưa nghỉ hè nên chưa đi điều trị.
Cũng theo BS Vũ Thái Hà, điểm khác biệt của năm nay là đang trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 người dân đeo khẩu trang thường xuyên. Khi đeo khẩu trang nhiều giờ, hiện tượng nóng ẩm, kết hợp với bụi, nắng gắt... làm tăng tình trạng mọc mụn trứng cá, nhất là vùng quanh miệng. Để điều trị tình trạng mụn trứng cá, các bác sĩ khi thăm khám thường hỏi thói quen sinh hoạt, kiểm tra da bệnh nhân. Tùy tình trạng bệnh lý sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm tuyến giáp, phần phụ, men gan... Khi có kết quả bệnh nhân được cho thuốc điều trị; nếu điều trị tại chỗ, bệnh nhân sẽ được lấy nhân mụn bằng dụng cụ vô khuẩn; sau đó sử dụng các sản phẩm thuốc như: Kháng sinh, giảm viêm, vitamin PP, chiếu đèn, dùng mặt nạ dịu nhẹ… thời gian điều trị mỗi ca bệnh khoảng 5 ngày đến 1 tuần.
"Bên cạnh mụn trứng cá, việc tiếp xúc với nắng nóng còn khiến da bị tăng sắc tố gây ra bệnh nám má, hiện tượng bỏng nắng, thậm chí gây những tổn thương lâu dài như lão hóa da, ung thư da…", BS. Vũ Thái Hà giải thích.
Không coi thường tác hại của nắng
Cũng theo BS. Vũ Thái Hà, với những nguy cơ của các bệnh về da trong mùa hè, người dân cần biết cách chăm sóc làn da không chỉ để đẹp hơn mà còn phòng tránh tác hại của nắng nóng. Cụ thể, với tình trạng mọc mụn do thời tiết nóng, người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, vệ sinh da sạch sẽ, tẩy trang làm sạch da, thường xuyên cấp ẩm cho da… Đặc biệt tránh các tác nhân gây tổn thương da gây mụn.
Trong sinh hoạt người dân cũng cần chú ý hạn chế sử dụng đồ ngọt có lượng đường cao, đồ ăn sẵn như: Trà sữa, thực phẩm ăn nhanh, đồ chiên rán… dễ gây tiết bã nhờn, nổi mụn; cần áp dụng chế độ ngủ đủ giấc...
Đặc biệt, người dân cần chú ý các bệnh do tiếp xúc với nắng là do tác hại tia UV, còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím. Các tia UV có mức năng lượng khác nhau sẽ gây mức độ tác hại khác nhau đến sức khỏe và trực tiếp là làn da.
Cụ thể, tia UVA là nguyên nhân gây lão hóa da, các vết nhăn và nám trên da; tia UVB làm đen da, cháy nắng, ung thư da… Người bị bỏng nắng chủ yếu do tia UVB.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV như hạn chế ra nắng giờ cao điểm (từ 11 - 14 giờ). Khi ra nắng cần có biện pháp bảo vệ vật lý như: Mũ, ô, kính râm, khẩu trang, găng tay, quần áo chống nắng tối màu… Đặc biệt, cần sử dụng kem chống nắng, thoa kem trước khi ra khỏi nhà khoảng 30 phút và thoa lại sau mỗi hai tiếng. Có thể sử dụng viên uống chống nắng phối hợp để bảo vệ da, tuy nhiên, viên uống chống nắng chỉ là sản phẩm hỗ trợ, không thể thay thế kem chống nắng.