Nắng nóng gay gắt: Dùng điện thông minh để giảm gánh nặng chi phí tiền điện
Theo đại diện EVNHANOI, việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả không chỉ giúp giảm hóa đơn điện mà còn góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, nhất là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng.

Cán bộ EVNHANOI tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng hộ gia đình. (Ảnh: evnhanoi)
Nắng nóng gay gắt khiến hóa đơn tiền điện nhiều gia đình tăng vọt. Theo các chuyên gia, việc sử dụng hợp lý các thiết bị điện, như điều hòa, bếp từ và các thiết bị chiếu sáng… sẽ là giải pháp hữu hiệu để giảm bớt gánh nặng chi tiêu cũng như đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống điện.
Tiêu thụ điện tăng cao
Mới bước vào tháng cao điểm đầu tiên của mùa Hè, hóa đơn tiền điện nhà chị Khánh Ly (phường Yên Hòa) đã lên gần 2,5 triệu đồng. Theo chia sẻ của chị, do các con được nghỉ hè nên việc sử dụng điều hòa và các thiết bị điện trong gia đình tăng mạnh.
“Tháng trước chỉ 1,5 triệu đồng, nhưng do nắng nóng phải sử dụng điều hòa liên tục, vì thế tiền điện cao hơn nhiều,” chị Khánh Ly cho biết.
Trong khi đó, chị Hồng Hạnh (phường Vĩnh Hưng) cho biết gia đình phải chi gần 3 triệu đồng để thanh toán tiền điện tháng 6. Do nắng nóng nhiều thời điểm rất cao, cộng với việc sử dụng các thiết bị điện nên tiêu thụ điện cũng nhiều hơn các tháng gần nhất.
“Tôi sẽ cài app của ngành điện để theo dõi việc sử dụng các đồ gia dụng trong gia đình để điều chỉnh cho hợp lý,” chị Hồng Hạnh nói.
Cũng như chị Hạnh và chị Ly, hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình đều biến động mạnh trong tháng 6, với mức dao động từ 20-40% so với các tháng thông thường. Tuy vậy, tâm lý chung đều cho rằng dù phải trả tiền nhiều hơn nhưng quan trọng là không mất điện.
Anh Hưng, chủ một quán Phở trên phố Kim Ngưu cho biết mỗi tháng gia đình chi trung bình 20 triệu đồng tiền điện, song công việc kinh doanh nên chỉ cần mất điện là cửa hàng sẽ vắng khách.
“Kinh doanh ngày càng khó khăn nên dịch vụ là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân khách hàng. Vì vậy, việc tăng giá điện là việc cần thiết, nhưng quan trọng hơn là có nguồn điện ổn định và không bị cúp điện,” anh Hưng bày tỏ.

Nhân viên ngành điện kiểm tra vận hành các thiết bị, đảm bảo cấp điện cao điểm hè 2025. (Ảnh: EVNHANOI)
Dùng điện thông minh
Hiện nay, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện ngày càng tăng, cùng đó xu hướng lắp đặt nhiều điều hòa và các thiết bị như nóng, lạnh trong gia đình cũng gia tăng áp lực cho việc cung ứng điện.
Đặc biệt, trong dịp hè, học sinh được nghỉ ở nhà đồng nghĩa với việc điều hòa, tivi, máy tính, quạt, thiết bị điện tử hoạt động gần như cả ngày. Khi thời tiết bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, mức tiêu thụ điện sinh hoạt tăng mạnh là điều khó tránh khỏi.
Thống kê của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho thấy trong tháng 6/2025, sản lượng điện bình quân theo ngày trên toàn địa bàn Hà Nội đạt hơn 90 triệu kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng sản lượng trong tháng 6 đạt xấp xỉ 2.700 triệu kWh, trong đó mức đỉnh được ghi nhận vào ngày 2/6 với 110,9 triệu kWh - cao nhất từ đầu năm đến nay.
Riêng nhóm khách hàng thuộc thành phần quản lý tiêu dùng dân cư chiếm hơn 59,5% tổng sản lượng, tăng 1,15 lần so với tháng 5. Điều này phản ánh tác động trực tiếp của thời tiết tới hành vi sử dụng điện trong các hộ gia đình. Đặc biệt, khi kỳ nghỉ hè của học sinh trùng với cao điểm nắng nóng, dẫn đến thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị điện kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm.
Mặt khác, nhiệt độ cao không chỉ làm tăng tần suất sử dụng điện mà còn khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì hiệu quả vận hành. Khi chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời lớn, điều hòa phải hoạt động liên tục, ít ngắt máy, dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng cao dù thời lượng sử dụng không thay đổi.
"Lượng điện năng tiêu thụ tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè và các cháu nhỏ nghỉ hè ở nhà làm tổng số tiền điện tháng 6/2025 các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước," đại diện EVNHANOI cho hay.
Còn theo ghi nhận của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), trong tháng 6/2025, sản lượng điện thương phẩm tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc (không bao gồm Hà Nội) đạt 9,85 tỷ kWh-mức cao nhất trong các Tổng công ty phân phối thuộc EVN.
Đặc biệt, ngày 2/6, sản lượng tiêu thụ điện lập kỷ lục với 373,6 triệu kWh trong một ngày, còn công suất đỉnh lần lượt đạt 17.400 MW vào lúc 13h15 và 18.084 MW vào lúc 22h00, tăng tới 684 MW chỉ sau chưa đầy 9 tiếng.
Các con số này cho thấy thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài đã tác động mạnh đến hành vi sử dụng điện của người dân. Việc học sinh, sinh viên nghỉ hè ở nhà cũng khiến thời gian sử dụng điều hòa, quạt, tủ lạnh kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm.
Đáng lưu ý, khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá lớn, các thiết bị làm mát buộc phải vận hành với công suất cao hơn để duy trì hiệu quả, dẫn đến lượng điện tiêu thụ tăng vọt dù thời gian sử dụng không đổi.
Nghiên cứu từ các chuyên gia ngành điện cho thấy điều hòa có thể chiếm từ 28% đến 64%, thậm chí tới 80% tổng lượng điện tiêu thụ trong gia đình vào mùa hè. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1°C, điện năng tiêu thụ của điều hòa có thể tăng từ 2% đến 3%, tùy vào dòng máy. Nền nhiệt tăng từ 5°C trở lên có thể khiến điện năng tiêu thụ tăng đến 10%. Ngoài ra, thói quen hạ thấp nhiệt độ điều hòa quá mức (dưới 25°C), sử dụng liên tục trong nhiều giờ hoặc dùng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn cũng góp phần làm hóa đơn tăng mà người dùng không nhận ra.

Kiểm soát điện năng tiêu thụ qua các ứng dụng của ngành Điện Thủ đô. (Ảnh: evnhanoi)
Trước tình hình đó, ngành điện khuyến cáo khách hàng cần chủ động theo dõi lượng điện tiêu thụ của gia đình hằng ngày thông qua hệ sinh thái chăm sóc khách hàng. Đơn cử, của EVNHANOI như App EVNHANOI, website evnhanoi.vn..., đồng thời, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra sản lượng điện, đặt ngưỡng cảnh báo khi vượt mức tiêu thụ bình thường để kịp thời điều chỉnh hành vi sử dụng điện.
Đặc biệt trong mùa hè, người dân nên sử dụng điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý (từ 26-28°C), kết hợp với quạt, tắt các thiết bị khi không cần thiết và hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị công suất lớn trong khung giờ cao điểm từ 12h00-15h00 và từ 22h00-24h00 hàng ngày.
“Việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả không chỉ giúp giảm hóa đơn điện mà còn góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng,” đại diện ngành điện khuyến nghị./.