Nắng nóng kỷ lục, Đông Á chuẩn bị đốt than nhiều chưa từng thấy
Nắng nóng phủ khắp khu vực Đông Á khiến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... có thể thúc đẩy việc sản xuất điện than lên mức cao mới trong những tuần tới.
Dự kiến khu vực này chiếm hơn 60% lượng khí thải than trên thế giới, từ đó khiến bầu khí quyển bị ô nhiễm hơn nữa.
Gần đây, các nhà chức trách ở Nhật Bản và miền Nam Trung Quốc đã kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp hạn chế sử dụng điện để bảo vệ mạng lưới điện quốc gia, nhưng nhiệt độ tăng cao dự kiến sẽ khiến việc sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng lên.
Nắng nóng bao trùm khu vực
Dữ liệu dự báo thời tiết của Refinitiv cho thấy các khu vực xung quanh Bắc Kinh, Tokyo và Đài Bắc sẽ có nhiệt độ cao hơn mức trung bình dài hạn từ 4% trở lên trong suốt tháng 6, tháng 7 và tháng 8.
Trong khi đó, nắng nóng mang nhiệt độ hơn 35 độ C đến các tỉnh của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Hà Nam, Hồ Bắc, Thiểm Tây, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Hồ Nam, Quảng Tây và Thượng Hải.
Bên cạnh đó, khu tự trị Tân Cương ở viễn tây cũng sẽ tiếp tục hứng chịu nhiệt độ thiêu đốt trong ngày 11-12.6, trong đó Turpan lên tới hơn 40 độ C. Nhiệt độ cao sẽ chuyển sang miền Bắc Trung Quốc vào tuần tới, đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh Hà Bắc.
Ở Đông Bắc Trung Quốc, các thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân và Thẩm Dương dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiệt độ cao hơn vào tuần tới so với cùng kì những năm trước - khoảng 30 độ C.
Ngoài ra, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc) dự kiến có nhiệt độ trung bình cao hơn bình thường khoảng 3,4%, khiến tất cả các khu vực nằm trong khoảng nhiệt độ từ 20 đến thấp 30 độ C (từ 80 đến 90 độ F) trong suốt mùa hè.
Theo dự đoán, nhiệt độ tăng cao còn tiếp diễn ở những quốc gia vào những tháng tới và khiến cuộc sống hàng ngày của nhiều người trở nên khó chịu nếu không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những quốc gia sử dụng nhiều máy điều hòa không khí, chiếm gần một nửa số máy điều hòa không khí được lắp đặt trên toàn cầu.
Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất điện sẽ phải chứng kiến nhu cầu điện lớn hơn trong những tháng tới từ các hộ gia đình, căn hộ và doanh nghiệp, đồng thời tăng giá nhiên liệu phát điện tương ứng.
Nhập khẩu than kỷ lục
Trong tháng 3/2023, nhập khẩu than của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than lớn nhất nhì thế giới đã tăng 151% so với cùng kỳ năm 2022 lên 41,17 triệu tấn, mức cao nhất trong 3 năm.
Trong quý 1/2023, nhập khẩu than đạt 101,8 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu sử dụng than để sản xuất điện và thép gia tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Cụ thể, nhập khẩu than của Trung Quốc từ Australia đứng ở mức 2,73 triệu tấn, trong đó 2,13 triệu tấn được sử dụng cho các nhà máy điện và 417.576 tấn dùng để sản xuất thép.
Năm 2022, Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới đã tiêu thụ tới 4,23 tỷ tấn, tăng 4,6%, (tương đương 185 triệu tấn) so với năm 2020.
Trong nửa cuối năm 2021, nền kinh tế thứ hai thế giới gặp tình trạng thiếu điện và than, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, và lĩnh vực bất động sản lao dốc. Do đó, nhu cầu điện tăng trưởng chậm lại và sản lượng sụt giảm trong các ngành sử dụng nhiều than như thép và xi măng.
Từ đó, nỗi lo thiếu điện đã khiến quốc gia này càng tăng nhập khẩu than dự trữ và tiêu thụ.
Tương tự, một quốc gia Đông Á khác là Nhật Bản đã nhập khẩu 14,53 triệu tấn than trong tháng 2, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu sơ bộ từ Bộ Tài chính cho thấy vào ngày 16/3.
Dữ liệu cho thấy kim ngạch nhập khẩu trị giá 652,56 tỷ yên (4,92 tỷ USD), tăng 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu từ Mỹ tăng 91,5% trong năm lên 1,41 triệu tấn, trong khi giá trị tăng 186,4% so với cùng kỳ lên 5,85 tỷ yên. Sản lượng nhập khẩu từ Nga giảm 85,6% xuống 225.000 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu giảm 76,8% xuống 9,91 tỷ yên.
Trong tháng 2, Nhật Bản đã nhập khẩu 9,49 triệu tấn than nhiệt, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị nhập khẩu là 447,60 tỷ Yên, tăng vọt 106,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu than nhiệt từ Mỹ đạt 568.000 tấn, tăng 70,9% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị tăng 209,7% trong năm lên 229,9 tỷ yên. Nhập khẩu than nhiệt của Nga giảm 72,9% so với cùng kỳ xuống 225.000 tấn, với giá trị giảm 57,6% so với cùng kỳ xuống 9,91 tỷ yên.
Khi than đá là động lực sản xuất điện chính
Trung Quốc sản xuất khoảng 60% điện từ than đá, Nhật Bản và Hàn Quốc 30% và Đài Loan chiếm khoảng 43%, vì vậy than đá sẽ là động lực chính trong sản xuất điện ở mỗi quốc gia, đặc biệt là vào ban đêm khi năng lượng mặt trời ngừng sản xuất.
Năm 2022, tổng lượng phát thải từ sản xuất điện đốt than ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan lên tới 4,9 tỷ tấn carbon dioxide (CO2). Thậm chí có thể vượt qua 5 tỷ tấn vào năm 2023 nếu nhóm quốc gia này “quay cuồng” sử dụng than ở mức kỷ lục.
Trung Quốc là động lực chính của việc sử dụng than trong khu vực và toàn cầu. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023, nước này đã tăng hơn 70% lượng nhập khẩu than nhiệt so với cùng kỳ năm 2022, dữ liệu vận chuyển từ Kpler cho thấy.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều đã giảm nhập khẩu than từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm 2022, nhưng quy mô tuyệt đối của Trung Quốc tăng nhiều hơn so với mức giảm nhập khẩu ở những nơi khác ở Đông Á.
Mức tiêu thụ than của Trung Quốc cũng sẽ tạo ra mẫu số chung cho lượng khí thải trong khu vực, ngay cả khi các quốc gia khác tiếp tục giảm sử dụng than trong hỗn hợp năng lượng.
Trong những năm gần đây, nhiệt độ toàn cầu đã tăng vọt khi thế giới tiếp tục đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh như than đá, dầu mỏ và khí đốt. Đáng lo ngại, xu hướng đó không có dấu hiệu chậm lại, thậm chí đang trên đà tăng mạnh do nhu cầu kỷ lục vào mùa hè nóng bức.
Trong bản báo cáo cập nhật khí hậu hàng năm, WMO cho biết từ năm 2023 - 2027, có tới 66% khả năng nhiệt độ hành tinh sẽ tăng lên trên mức 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất 1 năm của giai đoạn 5 năm sắp tới. Bên cạnh đó, có 98% khả năng là ít nhất 1 năm trong giai đoạn 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung - sẽ ghi nhận mức nóng kỷ lục đối với hành tinh.
Thế giới đã chứng kiến sự nóng lên khoảng 1,2 độ C khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và gây ô nhiễm làm nóng hành tinh. Mặc dù Trái đất đã trải qua 3 năm được hiện tượng La Nina làm mát, nhiệt độ sau đó vẫn tăng vọt lên mức nguy hiểm.
Khánh Vy (Theo HSNW)