Nắng nóng kỷ lục nhưng nhu cầu than đá và khí đốt của Trung Quốc vẫn không cao
Đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện, nhưng ngành công nghiệp ảm đạm và tồn kho than cao kỷ lục đang khiến giá than thấp và hạn chế hoạt động nhập khẩu khí LNG vào Trung Quốc.
Theo ghi nhận của các chuyên gia phân tích, hiện chưa có dấu hiệu về giá than tăng hoặc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng lên. Nguyên nhân được cho là sự phục hồi chậm chạp trong nước sau các biện pháp hạn chế trong đại dịch COVID và xuất khẩu thu hẹp làm giảm nhu cầu sử dụng điện từ các nhà sản xuất, vốn chiếm khoảng 2/3 lượng điện sử dụng ở Trung Quốc.
Alex Siow, chuyên gia phân tích hàng đầu về khí đốt và LNG châu Á tại cơ quan định giá ICIS, cho biết: Trung Quốc đã quen với việc sử dụng ít LNG.
Triển vọng sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu than và LNG vì Trung Quốc là nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới và cạnh tranh với Nhật Bản với tư cách là người mua LNG nhiều nhất. Các ngành công nghiệp và năng lượng chiếm hơn một nửa nhu cầu khí đốt của Trung Quốc.
Một thương nhân lớn của Trung Quốc cho biết: Nhu cầu của nền công nghiệp yếu là nguyên nhân sâu xa, ví dụ như những người tiêu dùng khí đốt để sản xuất gốm sứ và thủy tinh đang phải hoạt động ở mức công suất thấp do họ phải đối mặt với sức mua yếu. Một số nhà máy của ngành này đã cắt giảm một phần ba sản lượng so với năm ngoái.
Triển vọng ảm đạm đối với nhu cầu than và khí đốt được đưa ra mặc dù các nhà khí tượng học cảnh báo về thời tiết nóng trái mùa trong tháng 6, với nhiệt độ vượt quá 37 độ C (98,6 độ F) từ Bắc Kinh đến Tân Cương.
Đồng thời, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu đã khiến một số nhà nhập khẩu e dè trong việc mua vào, mặc dù giá LNG đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, khoảng 9 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) LNG-AS từ mức cao kỷ lục đạt được vào năm ngoái sau cuộc xung đột tại Ukraine.
Dữ liệu của Refinitiv cho biết: Trong tháng 5 vừa qua, nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã tăng khoảng 7,2% so với tháng 4 lên 7,7 tỷ mét khối (bcm). Mặc dù con số này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh đóng cửa vì COVID-19, nhưng vẫn thấp hơn so với tháng 5/2021.
Ông Siow cho biết, các ngành công nghiệp của Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng than đá khi giá khí đốt tăng vọt vào năm ngoái, vì giá LNG vẫn không có xu hướng rõ ràng trong tương lai gần.
Giá LNG giao ngay vẫn duy trì trên mức hòa vốn là 6,5 USD/mmBtu đối với các nhà sản xuất điện ở miền nam Trung Quốc.
"Chúng tôi không nghĩ rằng nhiều nhà sản xuất điện sẽ nhập khẩu LNG. Thay vào đó, họ sẽ ra ngoài và mua than. Than đá rẻ, với lượng tồn kho ở mức cao nhất mọi thời đại do Trung Quốc đã đẩy mạnh sản xuất trong khi hoạt động nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 tăng gần gấp đôi", ông Siow nói.
Các chuyên gia giao dịch cho biết: Than nhiệt của Trung Quốc với hàm lượng năng lượng 5.500 kilocalories (kcal) được giao dịch gần mức thấp nhất trong hai năm là khoảng 800 nhân dân tệ (112,04 USD)/tấn.
Theo một báo cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Than Trung Quốc, giá cùng loại từ Australia đã giảm xuống còn khoảng 90 USD/tấn trên cơ sở FOB vào tuần trước, từ mức 100 USD/tấn trong tuần trước đó.
Dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc (CCTD) cho biết, dự trữ tại các cảng lớn phía bắc đạt kỷ lục hơn 30 triệu tấn vào tuần trước, cao hơn 20 -30% so với giai đoạn 2021-2022.
Tuy nhiên, hàng tồn kho có thể giảm. Dữ liệu từ công ty tư vấn Wind cho biết, mức tiêu thụ than hàng ngày tại các nhà máy điện ở vùng ven biển đã tăng 11% trong tuần so với tuần trước lên khoảng 2,06 triệu tấn.
Ông Zhang cho biết: Nhu cầu than khó có thể cải thiện rõ rệt trong mùa hè này, đặc biệt nếu nhu cầu tiêu thụ điện trong lĩnh vực công nghiệp vẫn ở mức ảm đạm như hiện nay. Đồng thời ông nhận định, hoạt động nhập khẩu và sản lượng khai thác trong nước ngày càng tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá than.