Nắng nóng, người dân vẫn nườm nượp đưa trẻ đi uống Vitamin A
Sáng 1/6, mặc dù thời tiết nắng nóng, oi bức nhưng người dân Hà Nội vẫn nườm nượp đưa trẻ trong độ tuổi 1- 5 tuổi tới các điểm uống Vitamin A và cân đo miễn phí cho trẻ.
Ghi nhận tại điểm uống Trạm Y tế phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ sáng sớm, đã rất đông trẻ được bố mẹ, ông bà đưa tới đây. Nhân viên y tế cùng với các cộng tác viên tại các tổ dân phố được huy động để tiếp đón, hướng dẫn và làm các thủ tục cho trẻ.
Clip ghi nhận tại các điểm uống Vitamin A:
Trạm Y tế đã bố trí sảnh thoáng mát, phân chia khu vực tiếp đón, hướng dẫn, làm thủ tục giấy tờ và khu vực uống Vitamin A, khu vực cân, đo; đồng thời tăng cường các loại quạt mát, nước uống cho người dân để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và người dân trong thời tiết nóng bức.
Tất bật hướng dẫn, giám sát các hoạt động tại điểm uống, BS. Trần Phạm Thái, Trạm trưởng Trạm y tế phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Số lượng trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A và cân, đo lần này tại địa bàn phường là 1.991 trẻ; trong đó có 776 trẻ trong độ tuổi được cân, đo và 1.251 trẻ vừa cân đo, vừa uống Vitamin A. Để chuẩn bị cho Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em trên địa bàn phường, trước đó chúng tôi đã lên danh sách các trẻ trong độ tuổi, viết giấy mời nhờ các cộng tác viên dân số, các tổ dân phố, Đoàn Thanh niên… phối hợp để phát tới từng trẻ. Tại phường Cầu Diễn có 3 điểm uống là: Trạm Y tế phường Cầu Diễn, Nhà Văn hóa phường Cầu Diễn và Nhà C3, Tổ dân phố 10”.
Cũng theo Trạm trưởng Trần Phạm Thái, ngoài số trẻ đăng ký trên địa bàn phường, Trạm Y tế vẫn dự trù một số lượng nhất định cho các trẻ vãng lai cũng được uống nếu trẻ được đưa tới đây, đủ độ tuổi theo quy định.
Còn tại các điểm uống khác như: Trạm y tế phường Mỹ Đình I, trạm y tế phường Mễ trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), sợ nắng nóng nên ngay từ sáng sớm, người dân cũng đã đưa trẻ đến các điểm tổ chức để được uống Vitamin A và cân đo. Người dân hưởng ứng Chiến dịch rất nhiệt tình.
Ths.BS Hoàng Xuân Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Trong sáng 1/6, các trạm y tế, các điểm uống trên địa bàn quận đã đồng loạt triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em, người dân, các cha mẹ đã hưởng ứng đưa trẻ đi uống và cân đo rất đông; đến thời điểm này số lượng trẻ được uống Vitamin A và cân đo tại các điểm đã đạt tương đối. Trên địa bàn quận có 31 điểm uống, với các phường địa bàn rộng thì tổ chức nhiều điểm uống để thuận lợi cho người dân đưa trẻ tới. Đây là hoạt động thường niên nên trước đó, chúng tôi đã triển khai tập huấn cho các trạm y tế; tại các phường cũng họp ban chỉ đạo, tập huấn chuyên môn về các kỹ thuật, các hoạt động tiếp đón, gửi giấy mời, tránh bỏ sót các trẻ trong độ tuổi theo quy định, nhất là các trẻ trong các khu chung cư mới trên địa bàn”.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trong Chiến dịch lần này, ngoài uống Vitamin A, Hà Nội cũng triển khai việc cân đo cho trẻ dưới 5 tuổi. Tổng số trẻ em được uống Vitamin A đợt này theo đúng đối tượng là 392.000 trẻ với 1.744 điểm uống. Số trẻ em được cân đo dưới 5 tuổi cũng đã được rà soát rất tốt. Tất cả các cán bộ ở các trạm y tế trên địa bàn được huy động tham gia vào chiến dịch này, đồng thời một số bệnh viện tuyến trên cũng tham gia ứng trực cấp cứu.
Chiến dịch bổ sung vitamin A của Hà Nội diễn ra trong 2 ngày (1 - 2/6) và uống vét và các ngày 3 - 4/6. Từ ngày 1-7/6, thành phố triển khai cân, đo cho toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi sinh sống trên địa bàn.
Để chiến dịch được tổ chức thành công, chỉ trong một thời gian ngắn, Sở Y tế đã kịp thời ban hành kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện chiến dịch. Cấp phát kịp thời viên vitamin A theo dự trù của các đơn vị. Tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ tham gia chiến dịch. Tăng cường công tác truyền thông, vận động các gia đình đưa trẻ đến uống vitamin A đầy đủ, đúng lịch.
Về việc triển khai tại các quận huyện, theo Ths.BS Hoàng Xuân Huệ, khi xây dựng kế hoạch của Chiến dịch, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã dự trù số lượng trẻ, số lượng viên nang Vitamin A để đảm bảo số trẻ theo rà soát và các trẻ vãng lai, đến đột xuất tại các địa bàn cũng được uống bổ sung. Với các trẻ được cân, đo cũng được rà soát đầy đủ. Về dự trù viên nang Vitamin A, dựa trên số lượng trẻ đã được rà soát, Trung tâm Y tế đã dự trù số lượng và cơ bản được cấp theo dự trù.
Theo Sở Y tế Hà Nội, Sở đã thực hiện cấp phát Vitamin A đến từng trạm y tế xã phường, thực hiện truyền thông để người dân đưa trẻ em đi uống Vitamin A. Sở cũng đã tập huấn cho cán bộ y tế về quy trình thực hiện cũng như chuyên môn. Sở Y tế cũng tổ chức 3 đoàn kiểm tra giám sát trước, trong và sau chiến dịch để đạt hiệu quả cao nhất, làm sao để tất cả các cha mẹ đưa con đến điểm uống đúng lịch.
Kiểm tra công tác triển khai Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ tại Hà Nội sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Để chuẩn bị cho Chiến dịch này, Bộ Y tế đã giao cho các đơn vị triển khai thực hiện phối hợp với các nhà cung cấp lựa chọn thuốc, đến thời điểm này thuốc đã được nhập khẩu về Việt Nam với đủ số lượng cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc sử dụng. Hiện nay số lượng Vitamin A nhập về đã được các địa phương tiếp nhận và triển khai trên toàn quốc.
Mục tiêu đặt ra của Chiến dịch này là trên 99,8% trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao trong hai đợt chiến dịch (đợt 1 diễn ra vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 12/2023). Ngoài ra, trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo chiều cao để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân, thể thấp còi, thể gầy còm và tỷ lệ thừa cân, béo phì.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ đảm bảo an toàn, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, vật tư như khay, kéo, nước uống... Tại các điểm uống, cần phân bổ số trẻ hợp lý; mời trẻ uống theo giờ, tránh tình trạng quá đông gây ùn tắc, quá tải, bảo đảm phòng chống nắng nóng.
Đặc biệt, cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống vitamin A cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định này. Ngoài ra, cán bộ y tế cho trẻ uống phải bảo đảm đúng kỹ thuật, đúng đối tượng, đủ liều lượng được chỉ định theo lứa tuổi.