Nắng nóng xảy ra diện rộng khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên
Chiều tối 23/4, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, ngày 24/4, nắng nóng xảy ra diện rộng ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên.

Ảnh tư liệu: Nông dân Phú Yên sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa dưới nắng nóng. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Tây Nguyên và Nam Bộ, khu vực Bắc Bộ có mưa dông về chiều và tối, cục bộ có nơi mưa to.
Theo đó, tại Bắc Bộ (gồm Thủ đô Hà Nội) nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 31-34 độ C. Khu vực Trung Bộ nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 34-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Tây Nguyên và Nam Bộ (gồm Thành phố Hồ Chí Minh) nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.
Ngày 25/4, nắng nóng diện rộng xảy ra ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Từ chiều tối 24-25/4 và từ chiều tối 27-29/4, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm, đề phòng nguy cơ xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh); nền nhiệt giảm, không còn xảy ra nắng nóng.
Từ ngày 24-26/4, chiều tối và tối khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ khả năng có mưa dông (xác suất 60-70%).
Đối với xu thế thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4 - 4/5, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, từ ngày 30/4-1/5, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ khả năng có mưa rào, dông; từ ngày 2/5 mưa giảm, ngày trời nắng nhưng chưa có dấu hiệu của nắng nóng.
Khu vực Trung và Nam Trung Bộ ít mưa, có nắng nóng cục bộ. Tây Nguyên và Nam Bộ: ngày nắng, có nơi nắng nóng, chiều tối và tối có khả năng xuất hiện mưa rào, dông.
Cụ thể, thời tiết tiết một số tỉnh, thành phố trong cả nước ngày và đêm 30/4-1/5: Khu vực Sapa (tỉnh Lào Cai) có lúc có mưa rào, dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17-22 độ C (xác suất mưa 60-70%).
Thành phố Hà Nội có lúc có mưa rào, dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22-30 độ C (xác suất mưa 60-70%).
Thành phố Huế, ngày nắng, đêm không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24-33 độ C (xác suất mưa dưới 20%).
Thành phố Đà Nẵng, ngày nắng, đêm không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25-32 độ C (xác suất mưa dưới 20%).
Thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ngày nắng, đêm không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25-31 độ C (xác suất mưa dưới 30%).
Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ngày nắng, chiều tối và tối có thể có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16-25 độ C (xác suất mưa 55-65%).
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày nắng, chiều tối và tối có thể có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27-34 độ C (xác suất trên 60%).
"Thời điểm này là đang trong thời kỳ chuyển mùa, các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh có thể xảy ra, đặc biệt vào chiều tối. Đồng thời, nắng nóng trong những ngày tới có thể gây tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, cháy rừng và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt. Người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và du lịch trong dịp nghỉ lễ", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý thêm.
Chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến nghị, nắng nóng gay gắt (trên 35 độ C) có thể gây say nắng, sốc nhiệt. Mưa rào, mưa dông có thể làm gián đoạn sự kiện ngoài trời, gây trơn trượt. Do vậy, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm nên chuẩn bị các phương án ứng phó với mưa, gió mạnh, nắng nóng… như dựng rạp, che chắn thiết bị. Người dân tham gia sự kiện nên chuẩn bị ô dù, áo mưa, nước uống… tùy theo điều kiện thời tiết.
Các đơn vị chức năng đảm bảo các phương tiện cứu hộ, y tế, phòng cháy chữa cháy sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh do thời tiết.
Đề cập đến việc cung cấp thông tin về khí tượng thủy văn dịp nghỉ lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhấn mạnh, để đảm bảo thông tin thời tiết được cung cấp kịp thời, chính xác và đầy đủ phục vụ người dân, các hoạt động du lịch, đi lại cũng như tổ chức sự kiện trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết cho công tác dự báo, cảnh báo thời tiết trong thời gian từ 15/4 đến 5/5/2025.
Từ thời điểm này, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường tần suất phát hành các bản tin dự báo, đồng thời theo dõi chặt chẽ và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa lớn, dông, lốc, gió mạnh trên biển, mưa đá… nhằm giúp người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Đặc biệt, công tác dự báo sẽ tập trung cao vào những khu vực tổ chức sự kiện lớn trên cả nước, đảm bảo thông tin được cập nhật liên tục, sát thực tế, phục vụ hiệu quả công tác tổ chức và đảm bảo an toàn cho các hoạt động ngoài trời trong dịp lễ.
Cùng với đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 16 giờ đến 21 giờ ngày 23/4, tại tỉnh Lâm Đồng (khu vực các huyện: Lạc Dương, thành phố Đà Lạt, Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng); từ 17 giờ 30 đến 22 giờ 30 ngày 23/4, tại tỉnh Bình Thuận (khu vực các huyện: Đức Linh, Tánh Linh) và tại tỉnh Gia Lai (khu vực các huyện: Đăk Pơ, Ia Pa, KBang, Kông Chro, Mang Yang) có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do ưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Cơ quan khí tượng thủy văn kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, chiều tối và đêm 23-24/4, các khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa dông, cục bộ có mưa to, đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.