Nâng sức đề kháng cho học sinh với ma túy học đường
Nhiều học sinh đang học tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ về vấn nạn ma túy học đường, trong đó có em cho rằng lên mạng xã hội hay bắt gặp các bài đăng bán ma túy, thuốc lá điện tử… nên tò mò, click vào tìm hiểu xem đó là gì? Có em cho biết, từng nghĩ hút thuốc rất 'ngầu' nên muốn thử...
“Nước vui” nhưng hậu quả vô cùng nguy hại
Nước xoài, nước vui, thuốc lá điện tử, bóng cười, shisa… là các dạng ma túy “núp bóng” đang nhức nhối hiện nay. Chúng thường được “ngụy trang” dưới hai dạng: Trộn trong bánh kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm..., được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng và ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...
Ma túy “ngụy trang” được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, thậm chí trường học, để lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng. Đáng nói, học sinh, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu chủ ý dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy và các chất gây nghiện dưới nhiều hình thức thực phẩm trá hình.
Vụ án một nữ DJ học pha ma túy “nước vui” ở nước ngoài rồi về nước sản xuất “nước vui” - loại ma túy “núp bóng” với số lượng lớn tung ra thị trường tiêu thụ đã bị Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy Bộ Công an triệt phá vào cuối năm 2023 là ví dụ điển hình cho thấy rõ thực trạng nguy hại về vấn nạn này.
Cụ thể, vào cuối tháng 11/2023, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy Bộ Công an đã khởi tố 10 bị can trong chuyên án mà đơn vị đã triệt phá. Trước đó, vào đầu năm 2023, cơ quan Công an phát hiện một nhóm đối tượng nghi vấn pha chế, đóng gói ma túy tổng hợp “nước vui” quy mô lớn.
Chuyên án được thành lập vào tháng 3, nhằm khám phá, bóc gỡ đường dây này. Sau gần 3 tháng xác minh, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy xác định đối tượng cầm đầu là Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1993, ngụ TP Hồ Chí Minh). Hoài từng làm DJ (tạm hiểu là người chọn, chỉnh nhạc trong các buổi tiệc, sàn nhảy) ở nước ngoài. Trong thời gian này, đối tượng học được cách pha chế ma túy “nước vui”, đồng thời nhận thấy đây là mặt hàng siêu lợi nhuận. Hoài về nước, tuyển thêm người và bắt đầu sản xuất.
Thủ đoạn của các đối tượng là mua bán ma túy qua mạng xã hội, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, thuê các công ty vận chuyển đưa ma túy, các loại phụ gia, bao bì đóng gói về Việt Nam tập kết tại kho ở TP Hồ Chí Minh. Để tránh bị phát hiện, chúng thường xuyên thay đổi nơi cất giấu, pha chế, đóng gói ma túy.
Ba đối tượng được Hoài giao nhiệm vụ pha trộn, đóng gói ma túy là Mạc Đức Vinh (sinh năm 1990 ở Hải Dương), Đào Hoàng Nam và Nguyễn Hưng Long (cùng sinh năm 1989, ở TP Hồ Chí Minh). Việc giám sát được giao cho Thạch Hoàng Minh (sinh năm 1982, ở Trà Vinh) và Võ Thị Quỳnh Trang (sinh năm 1998, ở TP Hồ Chí Minh).
Cuối tháng 5/2023, trinh sát nhận được thông tin các đối tượng chuẩn bị mang “hàng” đi tiêu thụ. Xác định đây là thời điểm thích hợp để phá án, Ban chuyên án đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ chia thành 18 tổ công tác bố trí theo dõi, giám sát 11 đối tượng chính. Sáng 5/6/2023, một tổ công tác bắt quả tang Minh và Trang, thu giữ 67kg ma túy tổng hợp, trong đó có gần 9.000 gói ma túy thành phẩm nhãn Chali, Deadpool, Foryou, Coffee, Cristy Fruit và 20kg ma túy tổng hợp dạng bột chưa đóng gói.
Ngay sau đó, đồng loạt 17 tổ công tác tạm giữ các đối tượng khác trong đường dây, khám xét khẩn cấp 7 địa điểm cất giấu, pha chế, đóng gói ma túy. Ban chuyên án đã tạm giữ 17 đối tượng, thu 217kg ma túy tổng hợp, 208 kg vỏ bao bì cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng pha trộn, đóng gói, vận chuyển ma túy. Cơ quan chức năng ước tính số bao bì các đối tượng có thể đóng được khoảng 1 tấn ma túy “nước vui”.
Mở rộng điều tra, ngày 17/8/2023, Ban chuyên án bắt giữ Bùi Trung Nguyên (sinh năm 2006), thu 3kg ma túy tổng hợp cùng băng chuyền, bột, phụ gia, bao bì dùng vào sản xuất, đóng gói ma túy.
Qua xác minh, chỉ trong nửa năm, nhóm đối tượng này đã pha chế, đóng gói và xuất ra thị trường khoảng 750kg ma túy “nước vui”.
Theo Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy Bộ Công an, bản chất vụ án này là các đối tượng sản xuất “nước vui” hay còn gọi nước khoáng. Loại nước này thường được dùng sau mỗi cuộc liên hoan, sinh nhật khi đã có rượu, bia theo “công thức” gói 6 hoặc gói 10 (tương ứng với 6 hoặc 10 người). Đáng nói, trong “nước vui” chủ yếu pha chế từ ma túy đá, tinh dầu trái cây có mùi rất thơm và kích thích. Do đó, sau khi đã uống rượu, bia say, nhiều trường hợp uống “nước vui” quá liều có thể gây đột tử…
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng các địa phương đã tuyên truyền rất nhiều, nhưng hiện nay nhiều gia đình, nhiều phụ huynh chưa quan tâm tới việc giáo dục, quản lý, nhắc nhở con em mình. Đối tượng trẻ tuổi thì nghĩ, sử dụng “nước vui” không gây nghiện, nhưng thực tế không có loại ma túy nào là không gây nghiện.
Theo BS Nguyễn Thành Úc, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), về chuyên môn, “nước vui” thực chất là nước có chứa chất ma túy tổng hợp như MDMA (3,4-methylenedioxymethamphetamine), ketamine, diazepam, chúng có thể tạo ra ảo giác mạnh mẽ khiến người sử dụng cảm thấy hưng phấn. Cảm giác “vui vẻ” này xuất phát từ việc ma túy tác động lên hệ thống thần kinh trung ương, kích thích sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin, tạo ra cảm giác hạnh phúc và hưng phấn. Việc ngụy trang ma túy dưới dạng “nước vui” khiến người sử dụng dễ dàng tiếp cận và sử dụng, đồng thời đánh lừa sự chú ý của cơ quan chức năng.
Khi mới bắt đầu dùng “nước vui”, phần lớn người sử dụng có suy nghĩ sai lầm rằng “nước vui” là một cách để giải tỏa căng thẳng. Họ không nghĩ tới hậu quả khủng khiếp sau khi dùng. Đặc biệt có thể gây nên những biến chứng nguy kịch như có trường hợp một cô gái sinh năm 2001 (ngụ quận Tân Phú) đã bị suy hô hấp nặng, suýt chết sau khi “thưởng thức” loại “nước vui” này phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất vừa qua…
“Các em biết sợ, biết ám ảnh mà tránh xa các loại ma túy”
Thực tế, với quy mô dân số đông hơn 10 triệu người, TP Hồ Chí Minh trở thành thị trường “béo bở” cho việc mua bán và tiêu thụ các chất gây nghiện, trong đó có nhiều loại ma túy “núp bóng” kể trên. Đặc biệt, các loại ma túy này có thể xâm nhập vào các trường học qua nhiều hình thức khác nhau, trong khi một bộ phận không nhỏ học sinh chưa hiểu về tác hại của ma túy.
Theo báo cáo của Công an TP Hồ Chí Minh, trong 3 năm (2021 - 2023), Công an thành phố và các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4.654 vụ, 11.917 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; thu giữ hơn 3,19 tấn ma túy các loại. Tính đến giữa tháng 12/2023, tổng số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép các chất ma túy, người quản lý sau cai nghiện trên địa bàn thành phố là 24.581 người. Trong đó, số người đang ở ngoài xã hội là 10.318 người. Đây là số lượng được đánh giá là nguồn cầu nối tội phạm ma túy, tiềm ẩn rất cao nguy cơ phạm tội ma túy cũng như lôi kéo giới trẻ.
Cũng theo Công an TP Hồ Chí Minh, qua phân tích các loại ma túy được lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ từ đầu năm 2020 đến nay, ma túy tổng hợp chiếm phần lớn với tỷ lệ 73,38%, cho thấy xu hướng dịch chuyển nguồn ma túy truyền thống sang ma túy tổng hợp. Đáng chú ý, các loại ma túy mới “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử xuất hiện và xâm nhập vào thị trường, vào giới trẻ, học đường...
Nếu ở lứa tuổi tiểu học, tội phạm ma túy dụ dỗ bằng cách cho sử dụng các chất gây nghiện “núp bóng” thì đối với trẻ thành niên hay sinh viên, chúng thường lợi dụng tâm lý thích trải nghiệm những cái mới, thích thể hiện bản thân để dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê các em vào con đường nghiện ngập.
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, số lượng học sinh sử dụng ma túy khá thấp. Tuy nhiên, có những trường hợp sử dụng ma túy trong thời gian dài nhưng gia đình và nhà trường không hay biết. Nhiều học sinh đang học tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ rằng vì trên mạng xã hội hay bắt gặp các bài đăng bán ma túy, thuốc lá điện tử nên tò mò, click vào tìm hiểu xem đó là gì. Có em cho biết, từng nghĩ hút thuốc rất “ngầu” nên muốn thử...
“Ma túy có thể rình rập tiếp xúc với học sinh, sinh viên qua rất nhiều con đường: đôi lúc là một vài con tem giấy, vài ly nước, vài viên kẹo hay vài điếu thuốc khi được bạn bè rủ rê... Nếu các bạn trẻ không làm chủ được bản thân mà để rơi vào ma túy thì sẽ không tránh khỏi những tai họa, sức khỏe suy giảm, học hành sa sút, thậm chí đi vào con đường phạm tội... Để tránh tình trạng này, các em phải trang bị các kiến thức cơ bản về phòng, chống ma túy, không nên thử ma túy dù chỉ một lần”, Trung tá Võ Thị Vân Anh, cán bộ Đội Tuyên truyền Công an TP Thủ Đức chia sẻ.
Theo Thượng úy Nguyễn Khắc Anh, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, việc tuyên truyền tác hại của các chất cấm là vô cùng quan trọng. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, các thầy cô cần nhấn mạnh về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới), phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy bằng hình ảnh trực quan, những số liệu đáng báo động, những nhân vật thực tiễn để các em biết sợ, biết ám ảnh mà tránh xa...
Phụ huynh cần chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình không tham gia tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc... cũng như quan tâm, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn...
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định, công tác phòng, chống ma túy trong trường học cần sự chung tay phối hợp của Ban giám hiệu các trường học, các giáo viên, gia đình học sinh và chính quyền địa phương, với nhiều giải pháp linh hoạt và đi vào chiều sâu. Đây cũng là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt và đồng bộ. Lực lượng Công an cần chủ động rà soát, tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; đấu tranh phòng và chống các loại tội phạm có liên quan đến ma túy.