Nâng tầm cà phê Arabica của người Thái lên hàng đặc sản

Không chỉ nâng tầm cà phê Arabica của người Thái lên hàng đặc sản, HTX cà phê Ara Tay (bản Lọng Nghịu, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) còn giúp cho hàng chục lao động có cuộc sống ổn định hơn nhờ trồng cà phê sạch.

Huyện Mai Sơn có khí hậu rất phù hợp với cây cà phê Arabica, chất lượng cà phê Mai Sơn cũng đã được khẳng định. Thế nhưng bao đời nay bà con dân bản vất vả sớm hôm chăm sóc cà phê, làm ra những hạt cà phê thơm ngon nhưng chưa bao giờ được thực sự uống và cảm nhận hương vị một ly cà phê do chính mình làm ra. Vất vả làm ra cà phê, nhưng có khi phải bán xô cà phê tươi hoặc phơi khô bán với giá rẻ mạt 25.000 đồng/kg nhân xanh.

Trồng cà phê sạch không lo "rớt giá"

Bước ngoặt đến với người Thái đen ở bản Lọng Nghịu, xã Chiềng Chung khi tham gia dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản do Bộ Ngoại giao và thương mại Australia tài trợ được triển khai tại địa phương.

Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX cà phê Arabica cho biết: Quả cà phê chín sẽ được thu hoạch sau đó cho lên men ủ phơi trên sàn trong nhà lưới giúp giữ trọn hương vị của cà phê Arabica Mai Sơn.

Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX cà phê Arabica cho biết: Quả cà phê chín sẽ được thu hoạch sau đó cho lên men ủ phơi trên sàn trong nhà lưới giúp giữ trọn hương vị của cà phê Arabica Mai Sơn.

Trong đó, gia đình chị Cầm Thị Mòn được chọn tham gia dự án. Được tham gia các lớp tập huấn, đi tham quan học tập ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng về mô hình trồng cà phê sạch, chị Mòn quyết tâm làm cà phê chất lượng cao.

Đến vụ thu hoạch, chị Mòn thay đổi từ hái xô (hái lẫn tất cả quả chín, xanh, non, bị sâu...) sang hái chọn quả cà phê chín. Còn quả xanh trên cây sẽ hái được nhiều lần hơn, được nhiều tiền hơn. Nhờ đó, ngay vụ đầu thu hoạch, chị đã bán được giá cao hơn so với thị trường 3.000 đồng/kg.

Đồng thời, chị Mòn cũng được các chuyên gia của dự án hướng dẫn cách chế biến quy củ, từ vận chuyển, đóng gói, rửa hạt, rang hạt... bằng máy móc công nghệ do dự án tài trợ

“Quả chín sẽ được thu hoạch sau đó cho lên men ủ phơi trên sàn trong nhà lưới chứ không phơi trên sân như trước. Việc phơi sấy trong điều kiện bảo quản đã giúp giữ trọn hương vị của cà phê Arabica Mai Sơn”, chị Mòn cho hay.

Điều làm chị Mòn bất ngờ là trong quy trình sản xuất mới, không có thứ gì bị bỏ phí: Vỏ cà phê được ủ làm phân bón hoặc được sấy khô thành trà cascara để góp phần tăng thêm thu nhập. Quy trình chế biến ướt bị thay thế bằng quy trình chế biến mật ong, phơi trong 15 ngày và tự nhiên, nhằm bảo đảm mùi vị tự nhiên của hạt cà phê, tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường. 10 kg cà phê tươi mới được 1 kg cà phê nhân; 1 kg cà phê nhân rang xong chỉ còn lại 700 gram.

Vụ thu hoạch năm đó, gia đình chị Mòn cùng 1 hộ gia đình khác đã làm được 8 tấn cà phê theo quy trình chế biến mật ong và 4 tấn tự nhiên. Giá thì quả là một trời một vực so với các hộ làm cà phê còn lại trong xã.

Những hạt cà phê thay đổi cuộc sống phụ nữ Thái đen

Ấp ủ ý định nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê arabica, đồng thời, mong muốn nâng cao đời sống cho người dân trong xã. Vì vậy tháng 3/2020, chị Cầm Thị Mòn thành lập Hợp tác xã (HTX) cà phê Ara Tay.

Chia sẻ về ý nghĩa của từ Ara Tay, chị Mòn bật mí: "Ara là cà phê Arabica, đặc sản của đất Mai Sơn; còn từ "Tay" không chỉ có ý nghĩa là người Thái mà còn mang hàm ý bàn tay nâng niu, tận tụy của người phụ nữ Thái với cây cà phê, thể hiện tình yêu của người dân tộc dành cho cây cà phê vùng Tây Bắc; khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của người phụ nữ Thái trong cộng đồng".

HTX cà phê Ara Tay không chỉ là cơ hội đổi đời từ quy trình sản xuất cà phê đặc sản bền vững, mà còn là tình yêu với cây cà phê và sự khẳng định vai trò của người phụ nữ Thái trong cộng đồng.

HTX cà phê Ara Tay không chỉ là cơ hội đổi đời từ quy trình sản xuất cà phê đặc sản bền vững, mà còn là tình yêu với cây cà phê và sự khẳng định vai trò của người phụ nữ Thái trong cộng đồng.

Hiện nay, HTX có 14 thành viên, chủ yếu là các phụ nữ dân tộc Thái ở hai xã Chiềng Chung, Mường Chanh của huyện Mai Sơn. Ngoài ra, HTX còn kết nạp thêm 7 hộ vệ tinh làm nhà màng phơi cà phê và 100 hộ vệ tinh cung cấp quả cà phê tươi. “Những hộ vệ tinh bán cà phê cho HTX, các thành viên của Ara Tay cà phê cũng ưu tiên cho những hộ nghèo, người khuyết tật để giúp họ vừa có thêm thu nhập vừa hòa nhập cộng đồng”, giám đốc HTX cho hay.

Chị Lường Thị Pành, thành viên HTX Cà phê Ara Tay cho biết: Kể từ khi vào HTX, chị không còn lo đầu ra cho sản phẩm, thậm chí sản phẩm bán cho HTX còn cao hơn giá thị trường. “Trước đây, chỉ hái xô rồi bán cho thương lái nên thường xuyên bị ép giá (có năm chỉ được 5.000 – 6.000 đồng/kg), nhưng làm theo mô hình HTX, chúng tôi ký hợp đồng với các nhà rang xay nên giá cả rất ổn định, không lo đầu ra. Đáng nói, nhờ HTX luôn thu mua cho bà con với giá cao hơn thị trường khoảng 3.000 đồng/kg nên thu nhập của các thành viên ổn định hơn trước rất nhiều. Bình quân mỗi thành viên của HTX đạt thu nhập 40 -45 triệu đồng/năm", chị Pành cho biết.

Không dừng lại ở đó, HTX tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng dòng cà phê đặc sản, tìm kiếm đầu ra, tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX và liên kết với hàng trăm thành viên tham gia thông qua cung cấp quả tươi chất lượng cao, hoặc tham gia khâu chế biến, mở rộng diện tích trồng cà phê.

Khẳng định thương hiệu 'Ara Tay Coffee'

Diện tích sản xuất của các thành viên HTX khoảng 20ha nhưng nếu tính cả các hộ liên kết bán sản phẩm cà phê cho HTX thì diện tích lên đến 50ha. Hiện HTX sản xuất 3 dòng sản phẩm chính: Cà phê Arabica Nature, cà phê Arabica Honey và cà phê phin giấy.

Từ những phụ nữ dân tộc Thái chỉ biết trồng, hái và bán xô, sau 3 năm các thành viên HTX đã làm chủ quy trình chăm sóc, thu hái chế biến, đánh giá đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Vinh dự và tự hào, thương hiệu cà phê của HTX cà phê Ara Tay.

Hiện sản phẩm cà phê đặc sản của Ara Tay đã đạt OCOP 4 sao, đạt chứng nhận VietGAP và khi tham gia cuộc thi cà phê đặc sản tổ chức tại Lâm Đồng, sản phẩm cà phê của Ara Tay đạt thứ hạng rất cao.

Anh Hà Văn Thân, Phó Giám đốc HTX cà phê Ara Tay, từng là thương lái thu mua cà phê nổi tiếng ở Chiềng Chung cho biết, do giá cả bấp bênh nên có thời điểm cà phê Arabica phải cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác, nhưng sau khi phát triển dòng cà phê đặc sản, bà con đã yên tâm gắn bó với cây cà phê hơn.

"Bây giờ Ara Tay đắt hàng đến nỗi chúng tôi không có cà phê mà bán, nên trong thời gian tới chúng tôi dự định tiếp tục kết nạp thêm những thành viên có cùng chí hướng làm cà phê sạch, mở rộng diện tích thu mua của những hộ vệ tinh", anh Thân cho hay.

HTX cà phê Ara Tay không chỉ là cơ hội đổi đời từ quy trình sản xuất cà phê đặc sản bền vững, mà còn là tình yêu với cây cà phê và sự khẳng định vai trò của người phụ nữ Thái trong cộng đồng. Khi những lứa cà phê sạch được thu hoạch, bà con ai cũng phấn khởi dù biết con đường phía trước vẫn còn rất dài.

Trên chặng được phát triển của HTX, dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với nỗ lực, năng động của chị em phụ nữ ở xã Chiềng Chung và sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, HTX cà phê Ara Tay Coffee sẽ khẳng định được thương hiệu, tiếp tục thành công và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nang-tam-ca-phe-arabica-cua-nguoi-thai-len-hang-dac-san-1092773.html