Nâng tầm đặc sản khô cá Trảng Bàng, khơi nguồn sinh kế cho người dân Tây Ninh

Nằm ở vị trí giao thoa giữa vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Trảng Bàng, Tây Ninh từ lâu đã nổi tiếng với nhiều sản vật địa phương, trong đó không thể không nhắc đến món khô cá trứ danh. Trong những năm gần đây, các HTX trên địa bàn thị xã đã và đang đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn, phát triển và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm khô cá truyền thống, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo dựng sinh kế bền vững cho người dân Trảng Bàng và tỉnh Tây Ninh.

Trước đây, nghề làm khô cá ở Trảng Bàng chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu rõ ràng, đầu ra bấp bênh, đời sống của người làm khô còn gặp nhiều khó khăn. Sự ra đời và phát triển của các HTX đã mang đến một luồng gió mới, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa những người sản xuất, giúp họ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, khô cá Trảng Bàng ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường, trở thành một đặc sản được nhiều người biết đến và ưa chuộng, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.

Từ câu chuyện khởi nghiệp đầy gian nan

Một trong những HTX đi đầu trong câu chuyện này phải kể tới HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản Thanh Tiền (ấp Bình Thuận, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng). HTX được thành lập từ tháng 6/2024, hiện có 7 thành viên. HTX được thành lập nhằm phát triển nghề truyền thống của xã Phước Bình là làm khô cá lóc, khô cá trê cũng như các loại khô khác. Nguồn nguyên liệu chủ yếu do nông dân xã Phước Bình nuôi trồng, HTX thu mua để chế biến và tiêu thụ ra thị trường.

Anh Trần Thanh Tiền- Giám đốc HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản Thanh Tiền phơi cá khô. Ảnh BTN

Anh Trần Thanh Tiền- Giám đốc HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản Thanh Tiền phơi cá khô. Ảnh BTN

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Trần Thanh Tiền- Giám đốc HTX cho biết, vốn dĩ anh anh không phải là dân làm cá khô thứ thiệt, xuất thân từ giáo viên nên khi bắt đầu làm nghề anh cũng không khỏi bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, thậm chí là thất bại nhiều lần.

"Những mẻ cá đầu tiên gần như bị hỏng, khô không bảo quản được lâu, gia vị tẩm ướp chưa hợp khẩu vị của khách hàng, thị trường tiêu thụ chưa nhiều, số lượng khô làm ra ít, chỉ vài chục ký mỗi tháng. Lúc đó tôi rất nản", anh Tiền nhớ lại.

Nhưng với quyết tâm khởi nghiệp nghề truyền thống địa phương, sau nhiều lần thất bại, anh Tiền tự mày mò, nghiên cứu tìm ra công thức ướp khô để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm khô cá lóc, cá trê. Những mẻ khô dần dần đạt được chất lượng, ban đầu anh chỉ dám nhờ bạn bè, gia đình dùng thử để thăm dò chất lượng. Sau những phản hồi tích cực, anh mạnh dạn đầu tư và mở rộng thị trường.

Như người ta vẫn nói "lửa thử vàng, gian nan thử sức", "trời không phụ lòng người", khô cá của HTX ngày càng đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh bảo đó là nguồn động viên, khích lệ vô cùng to lớn để anh tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn.

“Cá làm khô phải bảo đảm tươi mới, sau khi làm sạch được tẩm ướp, mang ra phơi nắng từ 1-3 ngày, che phủ màng kín để chống bụi bẩn. Khi cá khô đã đủ nắng, anh đưa vào kho đóng gói theo hình thức hút chân không để bảo quản được lâu hơn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được cung cấp cho các mối sỉ tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận”, anh Tiền chia sẻ bí quyết làm khô ngon.

Theo anh Tiền, nguyên liệu cá lóc ở Trảng Bàng rất dồi dào nên mô hình này rất khả quan, giúp nông dân nuôi cá có đầu ra và nguồn thu nhập ổn định. Thời gian tới, HTX sẽ xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới là OCOP, đưa sản phẩm vào siêu thị và các kênh bán hàng khác, qua đó giúp sản phẩm truyền thống của địa phương ngày càng khẳng định thương hiệu.

Đến chữ tín đặt lên hàng đầu

Được biết, để phát triển được nhiều HTX theo mô hình kiểu mới, UBND thị xã Trảng Bàng yêu cầu các xã, ngành không chạy theo số lượng mà phải bám sát vào chất lượng, hiệu quả thật sự của mô hình này. Các ngành, các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng thành viên về tính bền vững của mô hình HTX kiểu mới.

Bởi vậy, dù các HTX làm khô trên địa bàn không nhiều như những lĩnh vực khác, song chất lượng luôn được đảm bảo tới tay khách hàng. Nhờ đó các HTX đã đi những bước đi bền vững, đảm bảo đời sống cho các thành viên, người lao động.

Ở Tây Ninh, nuôi cá lóc đang mang lại sinh kế cho người dân, HTX, góp phần vào xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Ở Tây Ninh, nuôi cá lóc đang mang lại sinh kế cho người dân, HTX, góp phần vào xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Ở Trảng Bàng, ngoài HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản Thanh Tiền, nhiều người còn biết đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp - Nuôi trồng thủy sản Tràm Cát ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Tiền thân của HTX Tràm Cát là Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tràm Cát. Tháng 9/2021, HTX Tràm Cát được thành lập tại xã biên giới Phước Chỉ với 45 thành viên.

Các thành viên của HTX Tràm Cát ập trung sản xuất lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Sau hơn 4 năm phát triển, đến nay, HTX có 53 thành viên, tổng diện tích nuôi các loại cá khoảng 5,3 ha. Mỗi thành viên HTX Tràm Cát nuôi từ 5.000 đến 10.000 con cá giống, trong đó có cá lóc, thời gian nuôi mỗi lứa cá trung bình từ 5 đến 6 tháng. Lợi nhuận từ nuôi cá giúp nhiều hộ trong tổ thoát nghèo.

Hiện nay, một số thành viên HTX còn chế biến khô cá lóc từ nguồn cá lóc nuôi, góp phần ổn định đầu ra đối với sản lượng cá thu hoạch của HTX và thu mua thêm bên ngoài.Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư bài bản, HTX đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, từ khâu chọn nguyên liệu tươi ngon, sơ chế tỉ mỉ đến công đoạn phơi sấy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX đã mạnh dạn đầu tư vào hệ thống máy móc hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt để đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng tốt nhất.

Nhờ đó, khô cá của HTX ngày càng được biết đến và tin dùng, sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khá. Nhiều thành viên của HTX, trước đây có cuộc sống bấp bênh, nhờ gắn bó với HTX đã có thu nhập ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ.

Anh Nguyễn Trường Giang- Giám đốc HTX cho biết, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sau thu hoạch như khô cá lóc một nắng và cá lóc tươi muối sả, HTX rất mong muốn được ngành chức tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị như máy sấy năng lượng mặt trời; hệ thống dây chuyền các khâu chế biến, đóng gói, đông lạnh. Qua đó, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí, nhân công, nâng cao giá trị sản phẩm.

Bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển của các HTX

Để đạt được những thành công đáng khích lệ như các HTX kể trên, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh. Với chức năng nhiệm vụ là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các HTX thành viên, Liên minh HTX tỉnh đã có những đóng góp thiết thực trong việc hỗ trợ các HTX khô cá ở Trảng Bàng nói riêng và các HTX khác trên địa bàn tỉnh nói chung phát triển bền vững.

Theo ngành chức năng, trên địa bàn thị xã Trảng Bàng có 23 HTX và 6 tổ hợp tác. Trong tổng số 23 HTX, có 15 HTX hoạt động khá - chiếm khoảng 65,22%; 7 HTX hoạt động trung bình - chiếm 30,43% và 1 HTX mới thành lập - chiếm 4,41%. Thời gian qua, hoạt động của các HTX trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực, tạo công ăn việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hộ thành viên.

Để đạt được những thành công trên, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quản lý HTX, kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu, marketing và xúc tiến thương mại cho các thành viên và cán bộ quản lý của các HTX. Các khóa đào tạo này giúp các HTX nâng cao kiến thức, kỹ năng, cập nhật những xu hướng mới của thị trường, từ đó có thể quản lý và phát triển HTX một cách hiệu quả hơn.

Liên minh HTX tỉnh đóng vai trò là cầu nối giữa các HTX với các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của tỉnh và trung ương. Liên minh cũng tư vấn, hỗ trợ các HTX về các vấn đề pháp lý liên quan đến thành lập, hoạt động và phát triển, giúp các HTX hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh cũng chú trọng công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho các HTX, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm khô cá Trảng Bàng. Liên minh cũng hỗ trợ các HTX xây dựng website, quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, kết nối với các nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp các HTX có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô hoạt động.

Nhờ sự hỗ trợ toàn diện và hiệu quả của Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh, các HTX sản xuất khô cá ở Trảng Bàng đã có những bước phát triển vượt bậc, không chỉ khẳng định được thương hiệu sản phẩm truyền thống mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Những thành công của khu vực KTTT, HTX ở Trảng Bàng nói riêng và Tây Ninh nói chung là minh chứng rõ ràng cho vai trò không thể thiếu của mô hình kinh tế hợp tác trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Nhờ những nỗ lực đó đã góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Theo đó, năm 2024, Tây Ninh đã xây dựng và triển khai thực hiện được 68 dự án, mô hình với 660 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án. Các đối tượng thụ hưởng được tham gia từ khâu xây dựng dự án đến tự chọn mua con giống, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu nên rất hài lòng với con giống, vật tư, trang thiết bị nhận được cũng như nội dung hỗ trợ của Chương trình xóa nghèo bền vững của tỉnh.

Ở cấp huyện, thị xã, thành phố, cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện được 42 dự án/mô hình cho 302 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án.

Tin rằng, trong tương lai, với sự định hướng và hỗ trợ mạnh mẽ từ Liên minh HTX tỉnh, khô cá Trảng Bàng hứa hẹn sẽ còn vươn xa hơn nữa, trở thành một đặc sản nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.

Quốc Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nang-tam-dac-san-kho-ca-trang-bang-khoi-nguon-sinh-ke-cho-nguoi-dan-tay-ninh-1106839.html