Nâng tầm đặc sản quê hương
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các cấp, các ngành tập trung hỗ trợ các chủ thể khai thác tốt tiềm năng sẵn có ở địa phương, biến những sản phẩm 'nhà quê' thành hàng hóa độc đáo, mang hương vị riêng của từng địa phương.
Rộn ràng vụ tết
Chỉ còn hơn 1 tuần là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, những ngày này, Cơ sở khô Cô Nhàn (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) hoạt động hết công suất, việc mua bán diễn ra tất bật cả ngày lẫn đêm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở chế biến từ 300-500kg cá khô các loại, tăng gấp 2 lần so với ngày thường để đáp ứng nhu cầu của thị trường tết. Hiện cơ sở nhận rất nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh với số lượng tăng lên theo cấp số nhân, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động ở địa phương với thu nhập 240.000 đồng/người/ngày.
Giá bán các loại khô tại Cơ sở khô Cô Nhàn không tăng so cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, khô cá lóc bán giá dao động từ 220.000-250.000 đồng/kg (tùy loại); khô cá chạch khoảng 550.000 đồng/kg; khô nhái khoảng 500.000 đồng/kg; khô cá trê khoảng 200.000 đồng/kg; khô cá dứa khoảng 200.000 đồng/kg;...
Để có khô ngon, phải trải qua nhiều công đoạn. Đặc biệt, khâu chọn nguyên liệu và cách ướp gia vị được xem là bí quyết giúp Cơ sở khô Cô Nhàn xây dựng được thương hiệu.
Chủ cơ sở khô Cô Nhàn - Thạch Thị Nhàn cho biết, ngoài bí quyết chế biến riêng, cơ sở còn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cho các sản phẩm khô được nhiều người biết đến. Điển hình như giới thiệu tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, hướng dẫn làm các hồ sơ, thủ tục để đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Lạp xưởng, chả giò là những thực phẩm không thể thiếu trong ngày tết. Vì vậy, từ đầu tháng 11 Âm lịch đến nay, Công ty (Cty) TNHH MTV Kim Ngọc Food (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) tập trung sản xuất để phục vụ nhu cầu của thị trường. Theo Giám đốc Cty - Lê Ca Bin, Cty hiện có 8 sản phẩm OCOP 3 sao gồm chả giò xốp thịt heo, chả giò rế thịt heo, chả giò xốp con tôm, chả giò rế con tôm, chả giò xốp chay, chả giò rế chay, chả giò hải sản phô mai và lạp xưởng tươi. Trong đó, chả giò hải sản phô mai và chả giò xốp con tôm là 2 sản phẩm khá “hút khách” trong dịp tết năm nay.
“Do khó khăn chung của nền kinh tế nên số lượng hàng năm nay giảm khoảng 30% so với năm trước. Hiện sản phẩm của Cty được tiêu thụ tại khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam, nhiều nhất là ở các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ và TP.Hà Nội. Ngoài ra, nhờ sự kết nối của Sở Công Thương mà sản phẩm của Cty đã được bày bán tại hệ thống của Bách Hóa Xanh và San Hà” - ông Lê Ca Bin chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày, Cty TNHH MTV Kim Ngọc Food sản xuất khoảng 1 tấn sản phẩm các loại; ngoài ra, Cty cũng có kho lạnh để bảo quản, bảo đảm cung ứng số lượng hàng hóa lớn theo đơn của khách hàng.
Toàn tỉnh hiện có 139 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (40 sản phẩm 4 sao, 99 sản phẩm 3 sao). Các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là chủ thể cũng đang tích cực làm các hồ sơ, thủ tục để các đặc sản ở địa phương tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP.
Nâng tầm sản phẩm
Gắn bó với nghề làm tàu hủ ky trên 30 năm nhưng chỉ đi làm thuê, ông Phạm Văn Lộc (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) luôn ấp ủ ý định tự mở cơ sở sản xuất để xây dựng thương hiệu tàu hủ ky của riêng mình. Cách đây hơn 1 năm, ông dùng tất cả số tiền tích cóp để đầu tư xây dựng lò hơi, chảo, hệ thống ống hơi, máy xay, nguyên liệu,... để làm tàu hủ ky mang thương hiệu Tàu hủ ky Hoa Lộc.
Tuy nhiên, thị trường hiện có rất nhiều loại tàu hủ ky với nhiều lò có từ lâu đời nên việc tìm đầu ra ổn định không phải dễ dàng. Để xây dựng được thương hiệu Tàu hủ ky Hoa Lộc, ông Lộc xác định tuyệt đối không sử dụng phẩm màu, hóa chất, chất bảo quản làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tàu hủ ky được làm hoàn toàn bằng đậu nành và nước.
Làm tàu hủ ky mất rất nhiều thời gian, phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn vớt màn là vất vả nhất, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm mới làm được miếng tàu hủ ky không quá dày, không quá mỏng, khi chiên lên sẽ có độ phồng và giữ được hương vị của đậu nành tươi.
Ông Lộc chia sẻ: “Trung bình 80kg đậu nành tươi làm được hơn 30kg tàu hủ ky, bán giá 120.000 đồng/kg. Công việc của tôi thường bắt đầu từ 0 giờ đến 18 giờ. Riêng các dịp lễ, tết, vợ chồng tôi phải thuê thêm người làm mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng”.
Ngoài có lợi nhuận gần 1 triệu đồng/ngày bằng nghề làm tàu hủ ky, các phế phẩm từ đậu nành còn được ông Lộc tận dụng để nuôi heo, cá. Từ đó, thu nhập của gia đình ông Lộc tăng lên nhiều lần so với làm thuê. Dù đã lớn tuổi nhưng ông Lộc luôn tìm tòi, nghiên cứu các hồ sơ, thủ tục để sản phẩm Tàu hủ ky Hoa Lộc được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong năm 2024.
Mục đích, ý nghĩa lớn nhất của Chương trình OCOP là phát huy tiềm năng sẵn có ở địa phương, nâng tầm đặc sản quê hương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Cùng với đó, các địa phương muốn xây dựng thành công xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cần phải xây dựng được sản phẩm đạt chuẩn OCOP./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-tam-dac-san-que-huong-a170660.html