Nâng tầm giá trị cà phê Việt

Lễ hội cà phê lần thứ 8 là bước tiếp theo với những hành động cụ thể để Đắk Lắk xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành 'Thành phố của cà phê thế giới', góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Lễ hội cà phê lần thứ 8 là bước tiếp theo với những hành động cụ thể để Đắk Lắk xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố của cà phê thế giới", góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới

Với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, sau hai năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã diễn ra trong sự mong chờ của toàn thể Nhân dân và du khách muôn phương. Lễ hội diễn ra từ ngày 10 - 14/3, là một sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà - Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết: Trải qua 18 năm, với 7 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột ngày càng được chú ý trong hệ thống các lễ hội của Việt Nam và được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Lễ hội lần này là một bước tiếp theo với những hành động cụ thể để tỉnh xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố của cà phê thế giới", góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Cụ thể, lễ hội đã có nhiều hoạt động giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là về cà phê và xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê.

Đắk Lắk và Lâm Đồng là hai tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 213.000ha, chiếm trên 30% diện tích cả nước, năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 558.000 tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm, chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Tổng diện tích cà phê tỉnh Đắk Lắk được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận là hơn 45.674ha, chiếm khoảng 22% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, với những lợi thế và tiềm năng hiện có, địa phương luôn sẵn sàng “kết duyên lành” với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để những ý tưởng, dự án đầu tư sớm trở thành hiện thực trên vùng đất bazan chan chứa tình người.

Cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam

Cần đẩy mạnh và khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” thuộc chương trình lễ hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Để cà phê Việt Nam tăng giá trị không chỉ ở chế biến tinh mà còn ở giá trị văn hóa tiêu dùng cà phê đi vào đúng cảm xúc. Chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ quả cà phê…

Theo TS Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, cần khai thác phân khúc cà phê đặc sản. Theo Đề án “Cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ NN&PTNT đã đưa ra các giải pháp toàn diện từ bổ sung chính sách, tổ chức sản xuất, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nguồn vốn đầu tư, hợp tác quốc tế. Đây là chính sách rất quan trọng, chính thức mở ra thời kỳ phát triển ngành cà phê của đất nước theo hướng nâng cao giá trị bằng con đường chất lượng.

Trước đó, tại lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành cà phê. Thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ. Đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch.

Bài, ảnh: Tuấn Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-tam-gia-tri-ca-phe-viet.html