Nâng tầm giá trị cà phê Việt

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang vào chính vụ thu hoạch cà phê. Năm nay, người trồng cà phê rất phấn khởi vì được mùa, được giá. Tuy nhiên, những bất cập trong các khâu thu hoạch, chế biến, xây dựng thương hiệu khiến sản lượng cà phê và lợi nhuận từ mặt hàng nông sản này chưa tương xứng với tiềm năng cũng như sức lao động mà người dân đã bỏ ra.

Được mùa, được giá... vẫn lo

Hơn 30 năm trồng cà phê, lần đầu tiên bà Đào Thị Hoa ở thôn Thanh Hà, xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) chứng kiến giá cà phê đạt mức cao kỷ lục. “Năm ngoái, cà phê robusta chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, nhưng đến thời điểm hiện tại đã đạt 60.000 đồng/kg. Từ ngày trồng cà phê tới giờ, đây là lần đầu tôi thấy giá cà phê cao như thế”, bà Hoa khẳng định.

Giá cao biến cà phê trở thành "cơn sốt" khắp các tỉnh Tây Nguyên. Không còn cảnh thấp thỏm, sốt ruột như những năm trước khi cà phê đã chín đỏ trong vườn mà vẫn chưa thấy thương lái tới hỏi mua. Cũng không phải lo lắng, chán nản khi tiền bán cà phê không đủ chi phí phân bón, nước tưới, công chăm sóc, thu hoạch. Những ngày này, tại các vùng chuyên canh cà phê, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp các thương lái tới tận vườn hỏi mua cà phê. Không khí thu hoạch, mua bán, vận chuyển, sơ chế cà phê diễn ra rất sôi động. Với giá như hiện tại thì người trồng cà phê thu được lợi nhuận cao. Một người dân cho biết, gia đình có 8 sào cà phê, sản lượng ước đạt 5 tấn nhân xô. Với giá 60.000 đồng/kg thì sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận ước đạt khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, “cơn sốt” giá cũng kéo theo nhiều nỗi lo. Vào mùa thu hoạch, hàng nghìn lao động tự do khắp nơi đổ lên Tây Nguyên hái cà phê thuê, trong đó có không ít thành phần bất hảo, nghiện ngập, cờ bạc... khi ăn chơi hết tiền đã trộm cắp cà phê của người dân. Anh Phạm Đức Lợi, thôn Thanh Hà, cho biết gia đình anh vừa bị kẻ xấu hái trộm khoảng 1 tấn cà phê trong vườn. Từ đầu tháng 10 đến nay, lực lượng công an, dân phòng và tổ an ninh tự quản của các thôn, xã khu vực Tây Nguyên đã phát hiện hàng chục vụ và bắt giữ nhiều đối tượng trộm cà phê. Hầu hết các thôn, buôn, hộ gia đình phải cử người thường xuyên tuần tra, canh gác đề phòng mất trộm cà phê.

Kiểm tra chất lượng cà phê trước khi thu hoạch tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Kiểm tra chất lượng cà phê trước khi thu hoạch tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Năm nay, do cà phê giá cao, nhiều vườn cà phê chưa chín kỹ nhưng đã bị các chủ vườn thu hoạch để “chốt lời”. Nhiều nông dân có thói quen "tốt xô" cả cành khi thu hoạch nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công. Điều này dẫn tới trái xanh sau thu hoạch chiếm tỷ lệ khá lớn. Theo ông Đoàn Mạnh Trình, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, có trụ sở tại xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà), thì việc làm này đang gây thiệt hại lớn cho người dân cũng như thương hiệu cà phê Việt Nam.

"Nếu người dân hái xanh tỷ lệ 60%, 40% trái chín thì sau khi phơi, sơ chế sẽ hao hụt, giảm trọng lượng đi khoảng 20%. Nếu tỷ lệ 30% trái xanh, 70% trái chín thì trọng lượng giảm đi khoảng 15%. Huyện Lâm Hà có gần 40.000ha cà phê, sản lượng tạm tính khoảng 150.000 tấn, nếu hái xanh như hiện nay, tôi chỉ tính tỷ lệ hao hụt là 15%. Như vậy, khối lượng cà phê bị hao hụt là khoảng 22.000 tấn. Với giá 60.000 đồng/kg, số tiền hao hụt tương đương khoảng 1.320 tỷ đồng. Nhân ra toàn tỉnh Lâm Đồng thì số tiền hao hụt tương đương gần 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc lạm dụng hái xanh khiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm cà phê bị giảm sút”, ông Trình phân tích.

Để ngành cà phê phát triển bền vững

Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 710.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,84 triệu tấn. Dư địa về diện tích cà phê hầu như không còn vì quy hoạch đất đai, cơ cấu cây trồng tại các địa phương đã ổn định. Để tăng sản lượng cà phê, giải pháp tối ưu là sử dụng giống mới thay thế giống cũ, đẩy mạnh quá trình tái canh và thay đổi phương thức thu hoạch.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, giai đoạn 2014-2021, diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên đạt 129.000ha. Hoạt động tái canh giúp tăng năng suất từ 2,3 tấn/ha vào năm 2011 lên 3,8 tấn/ha vào năm 2023, sản lượng tương ứng tăng từ 1,27 triệu tấn lên 1,81 triệu tấn. Tiếp nối thành công của đề án tái canh cà phê, Bộ NN-PTNT tiếp tục phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, mở ra triển vọng nâng cao hơn nữa sản lượng, chất lượng cho cà phê Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, địa phương ban hành nhiều văn bản, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, kêu gọi người trồng tuân thủ quy trình khoa học khi thu hái, sơ chế, bảo quản cà phê. “Chúng tôi khuyến cáo người dân chỉ tiến hành thu hái cà phê chọn lọc, khi tỷ lệ trái chín trên cành đạt 80-90% trở lên và tiến hành thu hái thành nhiều đợt. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phá rừng trồng cà phê vì từ tháng 12-2024, sản phẩm cà phê sản xuất trên đất gây mất rừng của Việt Nam sẽ không được thông quan sang thị trường châu Âu. Ưu tiên phát triển diện tích cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản vì giá bán các sản phẩm này cao hơn rất nhiều so với cà phê thương mại thông thường”.

Là địa phương đứng thứ hai về diện tích và sản lượng, nhưng giá trị của mặt hàng cà phê tại Lâm Đồng luôn đứng đầu cả nước. Một trong những giải pháp quan trọng của địa phương này là quan tâm đầu tư công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, hầu hết nhà máy, trang trại, hợp tác xã và hộ nông dân trồng cà phê tại Lâm Đồng đã sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên bao bì, cải tiến mẫu mã, hình ảnh và đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số. “Nhiều doanh nghiệp và chủ trang trại hiện không chỉ đơn thuần bán cà phê mà còn bán cả câu chuyện về cà phê. Chỉ cần đưa chiếc điện thoại thông minh soi chiếu vào mã QR, khách hàng sẽ được tham quan toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến với những hình ảnh chân thực nhất từ trang trại và nhà máy. Hiểu được quy trình sản xuất, nghe được câu chuyện thú vị về sản phẩm, khách hàng sẽ tin tưởng và sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm với giá cao. Đó là cách nâng cao giá trị cà phê hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Sơn, chủ một trang trại sản xuất cà phê đặc sản tại phường 5, TP Đà Lạt, khẳng định.

Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, năm 2023, lượng cà phê xuất khẩu cả nước ước đạt 1,72 triệu tấn, kim ngạch tương đương 4,2 tỷ USD. Đây là con số cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành cà phê. Thời gian tới, nếu thực hiện tốt quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững, nâng cao công nghệ thu hoạch, chế biến, xây dựng thương hiệu thì giá trị, uy tín của cà phê Việt Nam chắc chắn còn tăng lên rất nhiều và đời sống của khoảng 600.000 hộ nông dân trồng cà phê trên cả nước sẽ không ngừng được cải thiện.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-tam-gia-tri-ca-phe-viet-754163