Nâng tầm giá trị nông sản, phù hợp với xu thế thị trường

Với nhiều nỗ lực trong phát triển thương hiệu các sản phẩm địa phương, đến nay Đắk Lắk có 237 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gồm: 223 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm 4 sao. Năm 2024, Hội đồng OCOP cấp tỉnh sẽ đánh giá, phân hạng cho 44 bộ hồ sơ sản phẩm tiềm năng 4 sao do địa phương đề nghị.

Nhiều sản phẩm chất lượng

Hiện nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk đã và đang được xuất khẩu. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp, các chủ thể đã tham gia chế biến sâu thành những thành phẩm đến người tiêu dùng.

Đơn cử như, các sản phẩm của 8 chủ thể đạt chứng nhận OCOP cấp huyện (hạng 3 sao) năm 2023 đã được UBND huyện Krông Năng quyết định công nhận. Đó là cà phê nguyên chất Kabi coffee Robusta – Arabica của Công ty TNHH Nông sản Hoàng Hân; hạt mắc ca An Nhi của hộ kinh doanh An Nhi; cà phê rang xay nguyên chất của hộ kinh doanh H’Năng; mắc ca sấy và ngũ cốc hạt Granola của hộ kinh doanh Lê Thị Kiều Lành; mắc ca của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Dung; cà phê đặc sản của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC; mắc ca rang của Hợp tác xã Nông nghiệp Mắc ca Tân Định; dầu hạt mắc ca của Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương...

Hay như, huyện Krông Ana vốn nổi tiếng với nghề trồng lúa nước. Từ các vựa lúa lớn ở các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmăl, thị trấn buôn Trấp, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và có chiến lược lâu dài xây dựng thương hiệu gạo Krông Ana.

Sản phẩm gạo Nhật Minh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh đã được công nhận OCOP 4 sao. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên địa bàn đăng ký sử dụng nhãn hiệu “gạo Krông Ana”. Để có được những kết quả khả quan, HTX đã liên kết với người dân có truyền thống làm lúa nước, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín với diện tích hơn 356ha. Nhờ chính sách hỗ trợ về cơ chế, tiếp thị, quảng bá từ chương trình OCOP, sản phẩm gạo Nhật Minh từng bước khẳng định được thương hiệu, mang đậm nét đặc trưng của vùng lúa nước ven sông Krông Ana.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được nâng tầm, gia tăng giá trị

Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được nâng tầm, gia tăng giá trị

Đẩy mạnh quảng bá

Để quảng bá thúc đẩy giao thương và tiêu thụ sản phẩm OCOP, mới đây UBND tỉnh chỉ đạo, Sở Công Thương là đơn vị chủ trì tổ chức Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024 với quy mô 250 gian hàng của 100 đơn vị, doanh nghiệp, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền, địa phương; hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm…

Theo bà Trần Nữ Hoàng Oanh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông nghiệp khởi nghiệp huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), trong 40 sản phẩm tham gia trưng bày tại gian hàng chung của huyện thì câu lạc bộ có tới 25 sản phẩm. Hiện câu lạc bộ có 39 thành viên, với 285 mã hàng. Trong đó, có nhiều mặt hàng OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của địa phương.

Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk 2024 là dịp để địa phương quảng bá hình ảnh, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật cũng như tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đây còn là sự kiện xúc tiến thương mại lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ cũng như giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư để mở rộng thị trường kinh doanh, phát triển bền vững trong xu thế hội nhập.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, Đắk Lắk với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, cùng với sự cần cù, nỗ lực của các doanh nghiệp, HTX và nông dân đã tạo ra nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản chất lượng, mang lại giá trị lớn và phù hợp với xu thế thị trường. Hội chợ lần này là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực giúp giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu phát triển, triển vọng của địa phương.

Đắk Lắk kỳ vọng thông qua hội chợ sẽ tạo ra sự thuận lợi trong giao thương để kêu gọi thu hút đầu tư. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị với hàm lượng công nghệ cao để mở rộng thị trường vững chắc trong nước và vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, giúp kinh tế địa phương thực sự phát triển bền vững, tạo nhiều công ăn việc làm ổn định và nâng cao đời sống của nông dân.

Thái Hòa

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-tam-gia-tri-nong-san-phu-hop-voi-xu-the-thi-truong-158344.html