Nâng tầm giá trị văn hóa, đưa bản sắc tỏa sáng

Theo GS.TS.NGND. NGUYỄN QUANG NGỌC, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, việc sáp nhập các đơn vị hành chính là cánh cửa mở ra những cơ hội lớn thúc đẩy sự phát triển nói chung, phát huy giá trị văn hóa bền vững nói riêng.

Mở rộng không gian lịch sử - văn hóa

- Theo ông, công cuộc "sắp xếp lại giang sơn" lần này tạo ra động năng mới, khơi mở tiềm năng, không gian mới cho phát triển văn hóa như thế nào?

- Với việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, không gian các đơn vị cơ sở đã tăng lên đáng kể về quy mô và diện tích. Mỗi xã thay vì chỉ gồm khoảng vài thôn (làng) trước đây thì nay là năm, bảy, thậm chí lên tới vài chục thôn. Không gian cơ sở được mở rộng tạo các điều kiện thuận lợi, là nền tảng cho sự phát triển văn hóa.

GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: H. Sen

GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: H. Sen

Trong một nghiên cứu về cơ chế của làng xã Việt Nam cổ truyền, GS. Hà Văn Tấn từng nói đến mối liên hệ giữa làng, liên làng, siêu làng; nghĩa là mối liên hệ trong nội bộ làng, các làng trong khu vực và làng trong mối liên hệ với Nhà nước. Đến nay, chúng ta xây dựng không gian cơ sở cũng trong mối liên hệ liên làng với không gian rộng lớn hơn nhiều, lại được cố kết với nhau bằng các giá trị văn hóa. Như vậy, mở rộng không gian theo nghĩa này tức là mở rộng không gian lịch sử - văn hóa trong một mối liên hệ, liên kết liên làng, siêu làng tại các địa phương, là cơ hội trực tiếp để phát triển cả văn hóa và kinh tế - xã hội.

Theo tôi, khi các "siêu làng" được quy hoạch bài bản thì nguồn lực sẽ tập trung hơn, công cuộc phát triển văn hóa cũng bước sang trang mới. Cùng những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của cộng đồng, sáp nhập không làm mất đi bản sắc, mà sẽ mở ra không gian để bản sắc ấy tỏa sáng.

- Làm thế nào để "bản sắc tỏa sáng", thưa ông?

- Khái niệm văn hóa trước đây chỉ được xem ở giá trị tinh thần, và gần như không có giá trị vật chất, do đó không được đề cao. Từ rất sớm Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt đề cao văn hóa, coi văn hóa là một giá trị cốt lõi cho cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước. Tuy nhiên, thời điểm đó đất nước chúng ta còn nghèo, việc khai thác các nguồn lực để phát triển văn hóa không đủ mạnh, chưa có điều kiện để phát triển văn hóa một cách thật sự.

Giờ đây với nguồn lực dồi dào hơn, cùng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế và văn hóa, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, chúng ta có cơ hội lớn để nâng tầm giá trị của không gian kinh tế, văn hóa, xã hội, con người trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đẩy mạnh kinh tế văn hóa, kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa là chủ trương đúng đắn, tạo cơ hội lớn, là điều kiện tương đối đủ để chúng ta phát triển toàn diện quê hương, đất nước trong điều kiện lịch sử mới.

Phát triển kinh tế văn hóa, kinh tế di sản

- Văn hóa là cơ sở, nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế, và ở chiều ngược lại kinh tế phát triển là nguồn lực để nâng tầm giá trị văn hóa. Trong bối cảnh hiện nay như ông vừa phân tích, quan điểm này nên được triển khai ra sao?

- Tư duy của chúng ta trước đây là bảo tồn giá trị, tức là chỉ mang tính chất hoạt động văn hóa. Để tận dụng cơ hội phát triển, chúng ta phải tính tới phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương, đưa thành hoạt động kinh tế thật sự, hay còn gọi là kinh tế văn hóa, kinh tế di sản.

Sản phẩm văn hóa phải được sản xuất với quy mô lớn, bằng công nghiệp, và được nâng tầm giá trị. Nó phải trở thành sản phẩm mang yếu tố nghệ thuật thực sự, không chỉ được địa phương thừa nhận mà được cả nước và quốc tế đánh giá cao, được phân phối ra thị trường một cách rộng rãi.

Các địa phương phải thay đổi nhận thức, tính toán phương pháp và cách thức nâng tầm giá trị văn hóa, hiệu quả nhất chính là phát triển công nghiệp văn hóa.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính là cánh cửa mở ra cơ hội lớn thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa. Nguồn: VGP

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính là cánh cửa mở ra cơ hội lớn thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa. Nguồn: VGP

- Để tận dụng cơ hội phát triển này không chỉ trông chờ vào Nhà nước. Các doanh nghiệp, thậm chí người dân địa phương nên được huy động ra sao, thưa ông?

- Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân tạo mọi điều kiện để tư nhân đầu tư và phát triển văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Thực tế chúng ta đã có những công trình du lịch văn hóa tầm cỡ đem lại nguồn thu lớn như Bà Nà Hills, núi Bà Đen, Khu du lịch Tràng An, Yên Tử, Tam Chúc, Bái Đính, khu thắng cảnh Hương Sơn…

Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều công trình tương tự, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Và khi kinh tế, văn hóa mỗi địa phương được nâng tầm sẽ thúc đẩy đất nước sẵn sàng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nang-tam-gia-tri-van-hoa-dua-ban-sac-toa-sang-10378525.html