Nâng tầm hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc
Việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức 'Đối tác chiến lược toàn diện' nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.
4 tỷ USD là số vốn mà Tập đoàn LG (Hàn Quốc) dự định đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. Thông tin này được ông Kwon Bong Seok, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn LG đưa ra tại buổi tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với 9 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc, nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 4 đến ngày 6/12 của Chủ tịch nước.
Phó chủ tịch LG cho biết, Tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam 5,3 tỷ USD, trong nhiều lĩnh vực, như sản xuất máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ô tô. LG có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam. Tương lai, LG sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD nữa. Tập đoàn mong muốn đưa Việt Nam là trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.
Cùng với LG, các “ông lớn” của Hàn Quốc như Hyundai Motor, GS E&C, Doosan... cũng chia sẻ với Chủ tịch nước về kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch Daewoo E&C Hàn Quốc Jung Won-ju cho biết, Tập đoàn chuẩn bị tổ chức Diễn đàn hợp tác đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc sau chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước, dự kiến vào giữa tháng 12 này, qua đó, kết nối doanh nghiệp hàng đầu hai nước để đẩy mạnh hợp tác đầu tư.
Có thể nói, việc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam đã và đang góp phần củng cố vị thế đứng đầu của nhà đầu tư này tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến ngày 20/10/2022, Hàn Quốc duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với 80,611 tỷ USD. Đồng thời, Hàn Quốc đứng thứ 3 về hợp tác thương mại với Việt Nam, với kim ngạch song phương đạt 66,65 tỷ USD (2019), 65 tỷ USD (2020) và 78 tỷ USD (2021).
Hai bên đã triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), duy trì kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, hướng đến mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030. Việc tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thể mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng.
Về tiềm năng hợp tác đầu tư trong thời gian tới, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng, du lịch, xây dựng các khu tổ hợp chuyên sâu, khu công nghiệp - nông nghiệp chất lượng cao, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, phía Hàn Quốc khẳng định, sự phát triển của lĩnh vực tài chính, ngân hàng là yếu tố cần thiết cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế, đề nghị Việt Nam hỗ trợ tích cực để các tổ chức tài chính của Hàn Quốc vào Việt Nam, qua đó hỗ trợ mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam.
Đặc biệt, với sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Với nhiều nội dung hợp tác quan trọng được hai bên thống nhất, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây sẽ là nền tảng để nâng tầm quy mô hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.