Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Nhằm chuyển hóa tiềm năng thành giá trị kinh tế bền vững, tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất và đẩy mạnh xúc tiến thương mại một cách đồng bộ.

Nông dân xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) đầu tư trồng chanh dây theo hướng hữu cơ. Ảnh: Đinh Yến
Tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa), ông Huỳnh Mau là một trong những người tiên phong áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ trên diện tích hơn 20 ha hồ tiêu và sầu riêng. “Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn Control Union của Mỹ, các sản phẩm nông nghiệp của tôi đã được một doanh nghiệp tại Bắc Ninh bao tiêu với giá cao hơn thị trường”-ông Mau chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị nông sản, huyện đã xây dựng nhiều vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mới đây, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt vị trí xây dựng trung tâm logistics tại huyện để hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, các hợp tác xã (HTX) như HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đăk Rong cũng được đầu tư hạ tầng gồm đường giao thông nội đồng và sân phơi bê tông phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của địa phương đã đạt chất lượng xuất khẩu, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp đầu tư trồng chuối tại huyện Đak Đoa để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Hồng Uyên
Những năm qua, huyện Chư Păh cũng là địa phương điển hình về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện-thông tin: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn mở ra nhiều cơ hội cho nông sản địa phương vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2021-2025, huyện đã triển khai Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng 60 mô hình tại 9 xã, thị trấn. Tiêu biểu như: trồng dưa lưới trong nhà màng (xã Ia Nhin, Ia Ka, thị trấn Phú Hòa); trồng sầu riêng, cà phê ứng dụng tưới tiết kiệm và công nghệ sinh học; nuôi cá thát lát cườm, diêu hồng, rô phi sử dụng công nghệ sục khí; áp dụng tưới phun mưa cho cây ăn quả, cà phê ở xã Nghĩa Hưng, Ia Nhin, thị trấn Phú Hòa...
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường hướng dẫn người dân và HTX áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ vào sản xuất; đồng thời, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn phục vụ truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm. Tính đến nay, Gia Lai có 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Các huyện như Đak Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh đã hình thành được các vùng chuyên canh các loại cây trồng có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và bảo quản sau thu hoạch.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-nhận định: “Sản xuất nông nghiệp phải gắn với thị trường. Muốn sản phẩm đi xa, ngoài chất lượng, phải có hồ sơ truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận, có câu chuyện sản phẩm. Các tổ chức, doanh nghiệp, HTX và người dân phải làm chủ được quy trình từ đầu vào đến đầu ra”.
Tuy nhiên, hiện phần lớn sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó trong khâu xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn khi chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà chưa mở rộng ra bên ngoài.
Trước thực trạng này, tỉnh đã đẩy mạnh kết nối giao thương, hỗ trợ quảng bá trên nền tảng số và tham gia các hội chợ nông sản trong nước. Sàn thương mại điện tử tỉnh hiện đã liên kết với gần 150 doanh nghiệp, HTX để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng đã được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.
Tuy vậy, theo phản ánh từ nhiều chủ thể OCOP, hoạt động xúc tiến thương mại còn dàn trải, thiếu chiều sâu; kỹ năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp nhỏ và HTX còn hạn chế. Một số sản phẩm có chất lượng tốt nhưng chưa có chiến lược marketing phù hợp nên khó cạnh tranh.
Để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay: Sở sẽ tiếp tục tham mưu triển khai các giải pháp trọng tâm như: nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ nông dân, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ.
Đồng thời đưa sản phẩm chất lượng cao lên sàn thương mại điện tử, xây dựng hình ảnh sản phẩm gắn với địa phương; đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu chính ngạch và tham gia chuỗi cung ứng trong, ngoài nước. Ngoài ra, Sở cũng sẽ hỗ trợ HTX, doanh nghiệp về kỹ năng quảng bá, kết nối đối tác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nang-tam-san-pham-nong-nghiep-post324009.html