Phụ nữ dân tộc Thái thoát nghèo nhờ trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao
Mô hình Tổ hợp tác 'Trồng cây dược liệu và sản xuất tinh dầu' do Hội LHPN xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) triển khai đang mang đến làn gió mới cho phụ nữ dân tộc Thái trong hành trình thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Hội LHPN xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) vận động hội viên tham gia mô hình trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao.
Gắn với Dự án 6 "Truyền thông về giảm nghèo thông tin", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mô hình này không chỉ giúp chị em tiếp cận công nghệ cao mà còn tạo hướng đi mới để tiếp cận thị trường, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Ứng dụng công nghệ cao – chìa khóa cho sản xuất bền vững
Mô hình Tổ hợp tác "Trồng cây dược liệu và sản xuất tinh dầu" tại bản Nhạ Nạt (xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) ra mắt vào tháng 4/2024, là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hội LHPN xã Châu Cường là đơn vị tiên phong vận động, tuyên truyền và kết nối nguồn lực để thành lập mô hình, đồng thời phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, khuyến khích hội viên mạnh dạn tham gia.

Hội LHPN xã Châu Cường ra mắt mô hình Tổ hợp tác "Trồng cây dược liệu và sản xuất tinh dầu" tại bản Nhạ Nạt.
Với sự hỗ trợ từ Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Quỳ Hợp, Tổ hợp tác gồm 30 thành viên, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Thái, đã được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây dược liệu như húng quế, sả, và tràm. Diện tích trồng của Tổ hợp tác hiện đạt hơn 3ha, với vụ đầu tiên trong năm 2024 mang lại kết quả ấn tượng: mỗi ha thu hoạch 15-18 tấn cây dược liệu, tương đương 75-90kg tinh dầu, mang về thu nhập 75-90 triệu đồng/ha chỉ trong 6 tháng.
Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Dược liệu Nghệ An, đại diện HTX Dược liệu Quỳ Hợp, chia sẻ: "Chúng tôi ứng dụng công nghệ cao từ khâu sản xuất đến chế biến. Hệ thống máy liên hoàn như máy dập đất, rải giống, phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp, và công nghệ chưng cất hơi nước tiên tiến từ Đức giúp đảm bảo tinh dầu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Bỉ, Đức, Nhật Bản." Nhờ sự hỗ trợ toàn diện từ giống, phân bón, máy móc đến bao tiêu đầu ra, phụ nữ tham gia mô hình chỉ cần bỏ đất và công sức, giảm thiểu rủi ro và chi phí đầu tư.

Diện tích trồng cây tràm (cây dược liệu) ứng dụng công nghệ cao tại xã Châu Cường.
Bà Vi Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Cường nhấn mạnh: "Cây dược liệu có sức đề kháng cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, và cho thu nhập gấp 2-3 lần so với trồng lúa, ngô. Mô hình này không chỉ giúp chị em tăng thu nhập mà còn khuyến khích ứng dụng công nghệ, từ đó nâng cao dân trí và hướng tới giảm nghèo bền vững". Theo báo cáo của UBND xã Châu Cường, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm từ 19% xuống 16% trong quý I/2025, một phần nhờ các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ như trồng dược liệu.
Mở rộng vùng trồng dược liệu, tạo sinh kế bền vững
Mô hình trồng cây dược liệu không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho phụ nữ dân tộc Thái tại xã Châu Cường. Việc mở rộng diện tích trồng, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định đang trở thành mục tiêu quan trọng trong giai đoạn tới. Theo kế hoạch, HTX Dược liệu Quỳ Hợp sẽ triển khai mở rộng vùng trồng các loại dược liệu như húng quế, quế, bạc hà... tại xã Châu Cường và nhiều địa phương khác trong huyện vào năm 2026.

Giấy chứng nhận OCOP 3, 4 sao cho các sản phẩm của Tổ hợp tác, HTX Dược liệu Quỳ Hợp.
"Chúng tôi hỗ trợ từ giống, kỹ thuật đến bao tiêu đầu ra, thậm chí cung cấp lò chiết xuất tinh dầu tại địa phương, giúp chị em yên tâm tham gia chuỗi giá trị mà không lo rủi ro," ông Phạm Văn Hoàng, đại diện HTX cho biết. Nhờ sự đồng hành này, các sản phẩm từ mô hình như Dung dịch vệ sinh thiên nhiên xứ Nghệ, Dầu gội dược liệu Quỳ Hợp, Tinh dầu húng quế, Tinh dầu tràm... đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao theo tiêu chuẩn quốc gia. Những sản phẩm này không chỉ khẳng định chất lượng mà còn từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
Không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, mô hình còn mang lại giá trị thiết thực cho từng hộ gia đình tham gia. Bà Ngân Thị Dương (60 tuổi, dân tộc Thái, trú tại xóm Bản Nhọi), thành viên Tổ hợp tác chia sẻ: "Tôi trồng 1.200m² húng quế và thu được 10 triệu đồng chỉ trong một vụ. So với trồng ngô, lúa, cây dược liệu cho thu nhập cao hơn, thời gian trồng ngắn, lại được HTX hỗ trợ toàn diện." Với định hướng rõ ràng và sự hướng dẫn "cầm tay chỉ việc", bà Dương dự định mở rộng diện tích lên 2.000m² vào năm 2026 để gia tăng thu nhập.

Từ khi tham gia mô hình trồng dược liệu công nghệ cao, cuộc sống của gia đình bà Dương ngày càng ổn định.
Đặc biệt, với những hộ không có đất sản xuất, HTX còn tạo điều kiện làm việc ổn định tại cơ sở chiết xuất với mức lương 8 triệu đồng/tháng – một giải pháp thiết thực giúp nhiều phụ nữ vùng cao cải thiện đời sống và có việc làm bền vững.
Bên cạnh việc tăng thu nhập, mô hình còn góp phần giải quyết một trong những rào cản lớn của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế nông thôn – đó là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Ông Phạm Văn Hoàng nhận xét: "Chị em rất siêng năng, chịu khó, nhưng cần được đào tạo để làm quen với quy trình sản xuất chuyên nghiệp". Nhờ các lớp tập huấn ngay tại ruộng, tổ chức sản xuất theo nhóm và ứng dụng thiết bị hiện đại, phụ nữ đã dần chuyển từ phương thức sản xuất thủ công sang chuyên canh, nâng cao hiệu quả cả về năng suất lẫn thu nhập.

Bà Vi Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Cường.
Qua một thời gian ngắn triển khai, bà Vi Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Cường cho biết, mô hình này đang tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Từ điểm xuất phát ở bản Nhạ Nạt, mô hình đã được nhân rộng ra các xóm Bản Nhọi và Nhang Thắm, thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia. "Việc mở rộng diện tích trồng cây dược liệu không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn tạo việc làm ổn định, bền vững, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng," bà Hằng khẳng định.
Hội LHPN xã Châu Cường trên hành trình đó đã phát huy hiệu quả vai trò kết nối, đồng hành cùng phụ nữ thông qua Dự án 6 "Truyền thông về giảm nghèo thông tin". Nhờ dự án, chị em được tiếp cận thông tin, kiến thức và công nghệ, từ đó nâng cao quyền năng kinh tế. "Giảm nghèo thông tin chính là chìa khóa để phụ nữ tự tin vươn lên, không chỉ cải thiện sinh kế mà còn khẳng định vị thế của mình trong gia đình và cộng đồng," bà Hằng nhấn mạnh.