Nâng tầm sản phẩm quê hương

Với lợi thế có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, các sản phẩm đăng ký OCOP góp phần nâng tầm sản phẩm của địa phương.

1. Anh Nguyễn Tuấn Thanh - chủ Cơ sở Sản xuất chả lụa Tuấn Tú (xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), cho biết, cơ sở của anh hoạt động từ 0 giờ đến 5 giờ hàng ngày, sản xuất hàng trăm cây chả lụa cung cấp cho khách hàng từ Long An đến TP.HCM. Anh Thanh giải thích, thời gian làm việc của cơ sở đặc biệt như vậy là bởi anh “nói không” với nguyên liệu trữ đông lâu ngày cũng như mong muốn sản phẩm giao đến tay khách hàng là những cây chả lụa còn ấm nóng.

Chả lụa Tuấn Tú được công nhận sản phẩm OCOP

Chả lụa Tuấn Tú được công nhận sản phẩm OCOP

Anh Thanh nói: “Tôi chỉ sử dụng thịt và mỡ tươi cho quá trình làm chả nên phải làm giờ đó. Đến 5 giờ thì xong việc, chả vừa chín, mang đi giao, vừa kịp cho các cửa hàng mở cửa bán vào buổi sáng. Làm như vậy có phần vất vả nhưng vì tôi muốn giữ lại hương vị truyền thống của gia đình nên không muốn thay đổi gì”.

Anh Thanh học nghề làm chả lụa từ người thân bên ngoại. Biết làm rồi gắn bó và yêu thích nên khi mở Cơ sở Sản xuất chả lụa Tuấn Tú, anh luôn chú trọng chất lượng sản phẩm, từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm, đóng gói. Cơ sở có đầy đủ giấy phép kinh doanh, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và cứ 6 tháng 1 lần, anh chủ động mang mẫu sản phẩm đi kiểm tra để bảo đảm rằng cơ sở của mình luôn cung cấp cho khách hàng những cây chả lụa ngon và an toàn.

Anh Thanh chia sẻ: “Khi được địa phương tạo điều kiện đăng ký sản phẩm OCOP, tôi vừa vui, vừa lo vì các tiêu chí khá khắt khe. Nhận được chứng nhận sản phẩm OCOP, tôi thấy cơ sở của mình có nhiều cơ hội mở rộng thị trường hơn. Vừa rồi, tôi cùng các đơn vị khác tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, tôi nghĩ đó chính là cơ hội của mình”.

2. Mặc dù chưa hoàn tất hồ sơ công nhận OCOP nhưng sản phẩm mắm ruốc xào của hộ kinh doanh mắm ruốc Láng Tra Duy Phú (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) được người tiêu dùng yêu thích. Không chỉ cung cấp cho các chợ, cửa hàng tạp hóa tại địa phương, sản phẩm còn được người dùng ở các huyện khác tìm mua, mong muốn hợp tác lâu dài.

Công thức mắm ruốc xào do chị Võ Thị Bích Như đúc kết được qua quá trình học hỏi và rút kinh nghiệm của bản thân

Công thức mắm ruốc xào do chị Võ Thị Bích Như đúc kết được qua quá trình học hỏi và rút kinh nghiệm của bản thân

Chị Võ Thị Bích Như - chủ hộ kinh doanh mắm ruốc Láng Tra Duy Phú, cho biết, công thức mắm ruốc xào do chị đúc kết được qua quá trình học hỏi và rút kinh nghiệm của bản thân. Bằng cách thêm gia vị, tỏi, ớt,... rồi xào, chị Như giúp sản phẩm quen thuộc của quê hương trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn.

Chị Như nói: “Mắm ruốc là sản vật của vùng Tân Tập này nên khi bắt đầu kinh doanh, tôi nghĩ ngay tới mắm ruốc. Sau khi xào, mắm có gia vị, ăn thơm ngon, đậm đà hơn. Nhờ vậy, người tiêu dùng gần xa khá yêu thích”.

Với mong muốn phát triển sản phẩm quê hương nên ngay từ đầu, chị Như chú trọng đến khâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm của mình. Nhờ vậy, sản phẩm luôn nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm được lựa chọn làm hồ sơ đăng ký OCOP đều có điểm chung là sản phẩm nổi bật, được người tiêu dùng ưa chuộng, từ đó, góp phần giúp địa phương khai thác thế mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao./.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-tam-san-pham-que-huong-a160621.html