Nâng tầm vị thế của Việt Nam là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam hiện đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; Sự đầu tư và nâng cấp mạnh về cơ sở hạ tầng; Cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở và quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo, diễn ra sáng 14/12, tại Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt như thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban đồng thời ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về hoàn thiện cơ chế chính sách, Việt Nam đã nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, như: Luật Thủ đô, các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố; Quỹ Hỗ trợ đầu tư với nhiều cơ chế đột phá ưu đãi cho các dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển, dự án trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Về triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, Bộ KHĐT đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục đại học khẩn trương triển khai Chương trình thông qua công tác điều phối, đào tạo đồng thời, thúc đẩy liên kết 3 Nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” và tổ chức đào tạo ngắn hạn

Về triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn triển khai Chiến lược và đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ được giao.

Về thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái bán dẫn, Bộ KHĐT đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

"Hiện, Việt Nam có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Điển hình là Samsung có kế hoạch đầu tư 02 nhà máy kiểm định, đóng gói bán dẫn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,1 tỷ USD" - Bộ trưởng thông tin.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: MPI

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: MPI

Đặc biệt đối với Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới là NVIDIA, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHĐT phối hợp với cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác triển khai hợp tác và Tổ đàm phán với NVIDIA, thực hiện trao đổi, làm việc với Tập đoàn NVIDIA để thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác và đã đạt được nhiều kết quả đột phá, đem lại tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và AI.

Theo đó, NVIDIA đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, với cam kết đầu tư từ 4 - 4,5 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Việc này sẽ giúp tạo thêm khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và khoảng 40.000 - 50.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.

Ngày 05/12/2024, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI.

Bộ KHĐT đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 với khoảng 100 đối tác công nghệ lớn trong nước và trên thế giới; Phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam để tìm kiếm, hỗ trợ, lan tỏa các giải pháp phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn, AI; Kết nối, giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh đến các tổ chức hàng đầu như Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, SEMI và nhiều hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn trong thời gian qua.

Nhìn nhận những khó khăn, thách thức cần vượt qua để đạt được những thành tựu lớn hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất: Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng, mục tiêu, nội dung, hoạt động, nhiệm vụ tại Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tiếp cận, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về bán dẫn và AI, đặc biệt tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực đóng gói tiên tiến - là lĩnh vực có khả năng tạo bứt phá cho Việt Nam. Ngoài ra, cần tập trung hoàn thiện 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn là cơ chế, chính sách; hạ tầng; nguồn nhân lực chất lượng cao và tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

"Việt Nam không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình. Hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trọng tâm của châu Á và thế giới trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và có thể về một cường quốc về AI trong tương lai" - Bộ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới./.

PHÚ THÀNH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nang-tam-vi-the-cua-viet-nam-la-diem-den-cua-cong-nghe-cao-cong-nghe-ban-dan-va-tri-tue-nhan-tao-37098.html