Tin tức kinh tế ngày 15/12: Xuất khẩu rau quả 'về đích' sớm
Xuất khẩu rau quả 'về đích' sớm; Nhiều ngân hàng chịu áp lực nợ xấu tăng nhanh; Xuất khẩu dệt may cán đích 44 tỷ USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 15/12.
Giá vàng thế giới đi ngang
Giá vàng thế giới trong tuần qua biến động với biên độ lớn. Tuy nhiên, kết thúc tuần, giá vàng neo ở mức 2.648,5 USD/ounce, gần như không thay đổi so với mức chốt phiên tuần trước.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng ổn định ở mức 86,3 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn tiếp đà giảm, trượt ngưỡng 85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC niêm yết ở mức 83,3 triệu đồng/lượng mua vào và 84,7 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng cả chiều mua và bán so với rạng sáng qua.
Hàn Quốc chi 23,4 tỷ USD mua hàng từ Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong tháng 11/2024 đạt 2,1 tỷ USD, giảm 7,2% so với tháng trước đó.
Lũy kế 11 tháng/2024 đạt gần 23,4 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2024 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm và linh kiện trị giá 5,1 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 21,8% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,2 tỷ USD, chiếm 13,9% tỷ trọng xuất khẩu.
Nhiều ngân hàng chịu áp lực nợ xấu tăng nhanh
Tính đến hết quý III/2024, nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 252.000 tỷ đồng (tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30,3% so với đầu năm.
Nguyên nhân khiến nợ xấu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là do nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Tín dụng được giải ngân trong thời gian ngắn, chủ yếu tăng mạnh ở nhóm kinh doanh bất động sản - vốn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ không có nhiều lợi thế trong việc lựa chọn khách hàng nên tệp khách hàng thường là nhóm có năng lực tài chính kém, khả năng phục hồi chậm hơn so với những nhóm đối tượng khác.
Hơn 143.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong 11 tháng qua, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 người, đạt 114 % kế hoạch năm 2024.
Mức lương của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài dao động từ mức cao 1.200-1.600 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc đến mức trung bình 800-1.200 USD/tháng tại Đài Loan và châu Âu.
Nhật Bản đã khẳng định vị thế là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam lớn nhất trong nhiều năm qua, với tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc tại đây chiếm hơn 50% tổng số.
Xuất khẩu rau quả “về đích” sớm
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, giảm 3,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng tới 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt kỷ lục khoảng 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ngành hàng rau quả trong năm nay là giá trị xuất khẩu ước đạt 6-6,5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả sau 11 tháng đã về đích sớm. Thành quả này là nhờ vào những thắng lợi tại các thị trường lớn, trong đó có thị trường tỷ dân - Trung Quốc.
Xuất khẩu dệt may cán đích 44 tỷ USD
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may cán đích đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Theo ông Vũ Đức Giang - Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự tăng trưởng đơn hàng trong năm 2024 và năm 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm... nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.