Náo nức chờ mùa lễ hội đầu xuân
Sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, năm nay, các lễ hội chính thức được khởi động lại. Người dân Long An náo nức và phấn khởi chờ đón mùa lễ hội đầu năm.
Bằng nụ cười rạng rỡ, Chánh Hội trưởng Ban Hội hương Miếu Bà Ngũ Hành (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) - Nguyễn Văn Công chia sẻ: “Năm nay, được tổ chức lễ hội người dân ai cũng mừng. Mấy năm rồi gián đoạn nên ai cũng chờ. Cũng như mấy năm trước, 14 tháng Giêng là người dân tập trung lại làm công tác chuẩn bị. Năm nay, chúng tôi chuẩn bị kỹ hơn, dự kiến sẽ đón lượng khách đến đông hơn nhiều năm trước”.
Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành là lễ hội truyền thống của người dân Long Thượng cầu mong một năm mới may mắn, bình an và thường thu hút hàng ngàn lượt khách tham gia. Trong những năm không tổ chức phần hội, cổng chính của Miếu Bà đóng kín. Năm nay, khi hoạt động lễ hội được tổ chức lại bình thường, Ban Hội hương cùng chính quyền địa phương đã sớm họp bàn phương án tổ chức lễ hội vui tươi, an toàn.
Khi được hỏi về chuyện chuẩn bị cho lễ Vía Bà Ngũ Hành, Chánh Hội trưởng Ban Hội hương Miếu Bà Ngũ Hành không giấu được niềm vui rạng ngời trong ánh mắt. Ông Công cho biết, không chỉ bận với việc chuẩn bị lễ Vía Bà, ông còn “kín lịch” cúng, viếng các đình, miếu khác trong và ngoài huyện.
Hầu như đâu đâu người dân cũng vui vẻ, phấn khởi chờ đợi được hòa vào không khí lễ hội đầu năm mới. Tại huyện Châu Thành, từ ngày mùng 6 âm lịch, đội làm ghe đăng trong Lễ hội Làm Chay đã bắt tay vào làm việc.
Ông Phạm Thế Hùng, người phụ trách xe hoa tại Lễ hội Làm Chay cho biết: “Bình thường khoảng mùng 9 tháng Giêng chúng tôi mới bắt đầu làm xe hoa, nhưng năm nay làm sớm hơn, phần vì người dân đã chờ đợi lâu, phần vì sau mấy năm gián đoạn, nhiều vật liệu bị hư hỏng cần sửa chữa, tu bổ nên chúng tôi bắt đầu sớm hơn. Dù làm sớm nhưng ai cũng đồng lòng, phát động là anh em ủng hộ, sẵn sàng thu xếp hết việc nhà để phục vụ chuẩn bị cho lễ hội. Với chúng tôi, Lễ hội Làm Chay rất quan trọng”.
Lễ hội Làm Chay sẽ chính thức khai mạc vào chiều ngày 15 tháng Giêng âm lịch, nhưng từ mùng 9, Đình Tân Xuân đã đông người ra vào chuẩn bị. Không khí vui tươi, sôi nổi, ai ai cũng vui vẻ, mỗi người một việc, tiếng nói cười rộn rã, vang vang.
Dường như sau thời gian dài chờ đợi, việc tổ chức lại các lễ hội đầu xuân đã đáp ứng được mong mỏi của người dân. Không chỉ dân địa phương rộn ràng chuẩn bị, trên các trang mạng xã hội, thông tin về lễ hội đầu xuân cũng được lan truyền nhanh chóng và nhận được sự quan tâm của “cư dân mạng”. Các bạn trẻ xa quê nhắc nhau về tham gia lễ hội, những người bạn phương xa cũng hứa hẹn sẽ đến thăm một lần “cho biết”!
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An - Nguyễn Tấn Quốc, dự kiến các lễ hội truyền thống đầu năm 2023 sẽ thu hút đông đảo người dân quan tâm, tham dự. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung quan tâm một số vấn đề trọng tâm: Tình hình an ninh trật tự, An toàn vệ sinh thực phẩm và Tổ chức lễ hội vui tươi, lành mạnh không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi bất chính hoặc các vấn đề phản cảm khác.
Ông Nguyễn Tấn Quốc cho biết: “Riêng với các địa phương có những lễ hội lớn được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia như Cần Giuộc và Châu Thành, sở đã trực tiếp đến làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị lễ hội. Năm nay, dự kiến lượng người tham gia lễ hội sẽ rất đông, chính vì vậy, công tác chuẩn bị cần thật chu đáo và nghiêm túc ngay từ sớm”.
Sau thời gian dài gián đoạn, người dân đang chờ đợi được hòa mình vào không khí hội hè đầu xuân mới. Tất cả được thể hiện trong những ánh mắt rạng ngời!
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nao-nuc-cho-mua-le-hoi-dau-xuan-a149064.html