Nạo vét luồng Định An - Cần Thơ để mở rộng xuất khẩu

Quốc hội ban hành Nghị quyết 45/2022/QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP Cần Thơ, trong đó có chính sách 'Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ' tạo điều kiện cho tàu có trọng tải 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng ở thành phố. Việc này giúp nông sản trong vùng không còn lệ thuộc vào các cảng ở TP Hồ Chí Minh hay Đông Nam Bộ và giảm chi phí logistics.

Luồng Định An - Cần Thơ (qua cửa Định An thuộc tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng) có tổng chiều dài hơn 121km, chia thành hai đoạn chính. Đoạn đầu nằm trong sông dài khoảng 91km, có độ sâu từ âm 7m đến âm 10m, đủ để tàu tải trọng từ 10.000 đến 20.000 tấn có thể lưu thông một cách dễ dàng, đoạn sông trở thành tuyến đường thủy quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa lớn. Tuy nhiên, thách thức lớn nằm ở đoạn ngoài cửa biển Định An, dài khoảng 30km, nơi độ sâu chỉ khoảng âm 3 đến 4m, chỉ cho phép tàu có tải trọng từ 3.000 đến 5.000 tấn có thể ra vào.

Sơ đồ luồng tàu biển vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố và cửa Định An. Ảnh: Cửu Long

Sơ đồ luồng tàu biển vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố và cửa Định An. Ảnh: Cửu Long

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nhiều lần triển khai các dự án nạo vét và duy tu đoạn này nhưng việc nạo vét chỉ có thể duy trì hiệu quả trong khoảng 1-2 tháng, sau đó lại bị bồi lấp trở lại. Điều này gây ra nhiều khó khăn và chi phí lớn trong việc duy trì độ sâu cần thiết cho tàu lớn lưu thông. Do đó, kế hoạch theo chính sách "Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ" dự kiến sẽ bao gồm khu vực từ phao số 0 đến phao số 25, tổng chiều dài khoảng 31km. Độ sâu cần đạt được sau nạo vét là âm 6,5m trở lên, với bề rộng luồng khoảng 200m, giúp duy trì một luồng lưu thông ổn định và an toàn hơn cho các tàu có tải trọng lớn, cải thiện khả năng vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường thủy này.

Theo UBND TP Cần Thơ, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán dự án "Nạo vét kết hợp với thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ". UBND TP Cần Thơ mời gọi được 9 doanh nghiệp (DN) tiếp cận các thông tin cần thiết để thực hiện nghiên cứu chuyên sâu dự án để Bộ GTVT tận dụng, tham khảo phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án khi được phê duyệt.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thông tin: "Đến nay có 3 DN hoàn chỉnh đề cương báo cáo nghiên cứu chuyên sâu dự án theo khung đề cương chung của Cục Hàng hải Việt Nam. Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đang xem xét chấp thuận cho 3 DN nêu trên thực hiện công tác khảo sát phục vụ lập báo cáo nghiên cứu chuyên sâu".

ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong vận chuyển hàng hóa. Hàng xuất nhập khẩu hàng năm lên tới khoảng 18 triệu tấn, nhưng 70% lượng hàng phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, dẫn đến tình trạng chi phí vận tải tăng cao, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, chỉ ra rằng nguyên nhân chính là do thiếu kết nối hạ tầng giao thông và logistics. Dự án nạo vét luồng Định An - Sông Hậu được kỳ vọng sẽ mở ra một vận hội mới cho ngành logistics của toàn vùng ĐBSCL.

Văn Vĩnh - Như Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nao-vet-luong-dinh-an-can-tho-de-mo-rong-xuat-khau-i735878/