Nạo vét thủy lợi đông xuân

Nhằm nâng cao năng lực, phát huy tối đa khả năng dẫn nước của hệ thống kênh mương, cửa cống, hố hút của các trạm bơm, phục vụ việc đổ ải và tưới nước cho cây trồng năm 2025, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện tốt kế hoạch nạo vét thủy lợi đông xuân năm 2024 – 2025.

Nạo vét công trình thủy lợi tại xã Văn Nhuệ (Ân Thi)

Nạo vét công trình thủy lợi tại xã Văn Nhuệ (Ân Thi)

Qua đánh giá của ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh và các đơn vị, địa phương, thực hiện kế hoạch nạo vét thủy lợi đông xuân năm 2023 – 2024, toàn tỉnh đã thực hiện nạo vét kênh mương, cửa cống, hố hút các trạm bơm và đắp đê Bắc Hưng Hải được gần 664 nghìn m3, đạt 93% kế hoạch tỉnh giao. Trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện như: Một số tuyến kênh mương trong kế hoạch nạo vét làm nhiệm vụ tưới, tiêu cho diện tích sản xuất rau, hoa, cây cảnh giá trị kinh tế cao phục vụ Tết Nguyên đán nên việc thực hiện nạo vét chậm hơn so với kế hoạch tỉnh giao. Do nguồn kinh phí còn hạn chế nên còn một số tuyến kênh chưa được nạo vét; mặt khác, mực nước trong hệ thống ngày càng xuống thấp hơn so với thiết kế, gây khó khăn cho việc lấy nước phục vụ sản xuất.

Tại huyện Ân Thi, việc triển khai nạo vét thủy lợi đông xuân năm 2023-2024 còn nhiều khó khăn như: Thiếu mặt bằng nên máy thi công không thể triển khai và không có hành lang để chứa bùn đất khi nạo vét. Số lượng công trình nhiều, nhân lực khảo sát, thiết kế, quản lý, giám sát thi công và nghiệm thu thanh quyết toán chưa đáp ứng được nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch. Hiện trạng nhiều công trình thủy lợi nội đồng bị bồi lắng, ách tắc nhưng không có kinh phí đầu tư cải tạo, sửa chữa, khó khăn trong việc đưa dẫn nước, ảnh hưởng đến hiệu quả tưới, tiêu. Nguồn thủy lợi phí để tu bổ, cải tạo, sửa chữa các công trình ngày càng hạn hẹp, kinh phí tu bổ, sửa chữa hằng năm của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Ân Thi chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều công trình kênh mương bị vi phạm gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm làm cho việc thi công gặp khó khăn.

Căn cứ nhiệm vụ tưới, tiêu của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn, huyện Ân Thi xây dựng kế hoạch nạo vét thủy lợi đông xuân năm 2024 – 2025 với tổng khối lượng hơn 170,1 nghìn m3; trong đó, công trình tiểu thủy lợi nội đồng, huy động Nhân dân thực hiện hơn 116,2 nghìn m3; các công trình đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ thực hiện với khối lượng hơn 53,9 nghìn m3. Để triển khai đạt hiệu quả, UBND huyện thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý công trình nạo vét thủy lợi đông xuân để thực hiện việc chỉ đạo, quản lý, giám sát theo quy định. Huyện giao UBND các xã, thị trấn thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình trên địa bàn được giao theo kế hoạch nạo vét, bảo đảm mặt bằng thi công đúng kế hoạch, nhanh gọn, hiệu quả. Đối với các công trình tiểu thủy lợi nội đồng, các xã, thị trấn huy động nhân lực ở cơ sở để thực hiện bảo đảm theo yêu cầu.

Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; đồng thời, qua kiểm tra thực tế trên cơ sở ưu tiên những công trình đã bị bồi lắng, xuống cấp nhất, ngày 19/11, sở đã có tờ trình UBND tỉnh về tổng hợp khối lượng, kinh phí đề nghị hỗ trợ nạo vét thủy lợi đông xuân và đắp đê Bắc Hưng Hải năm 2024 – ¬2025. Theo đó, tổng khối lượng nạo vét thủy lợi đông xuân và đắp đê Bắc Hưng Hải, đắp bờ kênh trục chính năm 2024 – 2025 là hơn 883,1 nghìn m3; trong đó, khối lượng nạo vét tiểu thủy lợi nội đồng huy động Nhân dân thực hiện hơn 431,3 nghìn m3; nạo vét kênh mương, cửa cống, hố hút thực hiện từ nguồn kinh phí sản phẩm dịch vụ thủy lợi của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh hơn 53,1 nghìn m3; nạo vét kênh mương và đắp đê Bắc Hưng Hải, đắp bờ kênh trục chính đề nghị thực hiện từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ (tỉnh hỗ trợ 50%; huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ 50%) để bảo đảm việc dẫn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất hơn 398,5 nghìn m3. Cùng với đó, sở đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư các hạng mục công trình nạo vét kênh mương, công trình đắp đê Bắc Hưng Hải đề nghị thực hiện từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương hỗ trợ. UBND các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện các hạng mục công trình thủy lợi nội đồng huy động nguồn lực của Nhân dân để triển khai thực hiện. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư các hạng mục công trình từ nguồn kinh phí sản phẩm dịch vụ thủy lợi của công ty.

Thời điểm này, ở nhiều địa phương đã chủ động triển khai thực hiện các công trình tiểu thủy lợi nội đồng, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tích cực tổ chức rút nước trên các sông trục để thuận lợi cho việc nạo vét. Cùng với chủ động thực hiện nạo vét tiểu thủy lợi nội đồng, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động bố trí phần kinh phí hỗ trợ 50% từ nguồn ngân sách của địa phương; hướng dẫn, kiểm tra thanh quyết toán và quản lý việc sử dụng ngân sách theo quy định. Sau khi có kế hoạch của tỉnh, các chủ đầu tư căn cứ vào kế hoạch được giao để lựa chọn, ưu tiên thi công các công trình khó khăn về nguồn nước; tổ chức khảo sát các hạng mục công trình được giao làm chủ đầu tư, lập hồ sơ thiết kế, dự toán; thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; thi công và nghiệm thu xây dựng công trình theo quy định hiện hành.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nao-vet-thuy-loi-dong-xuan-3177273.html