Naomi Osaka: Cô gái nhút nhát 4 lần vô địch Grand Slam
Thế giới đón chào một nữ hoàng quần vợt mới và đó là niềm tự hào châu Á tại một môn đấu mà thường trên bục đăng quang là các tay vợt châu Âu và Mỹ.
Từ một cô gái rụt rè trước đám đông, Naomi Osaka đã vươn lên giành danh hiệu Grand Slam thứ tư sau chiến thắng 6-4, 6-3 hạ Jennifer Brady tại chung kết giải Úc mở rộng. Điều gì đã tạo nên một Osaka khác biệt?
Sự thay đổi rõ rệt nhất ở cô gái 23 tuổi chính là sự thiền định, thông qua những hành động ngày càng thể hiện rõ trong và cả ngoài sân đã đưa Osaka sánh ngang Serena Williams.
Chính sự lịch thiệp, lễ độ của tay vợt 23 tuổi cùng với chất thép trong những bước chạy trên sân đã biến cô gái Nhật Bản lên ngôi trong bốn lần lọt vào các trận chung kết Grand Slam.
“Bạn thích được gọi là Jenny hay Jennifer?”. Osaka rụt rè hỏi bại tướng Brady, trước khi cả hai có lời chia sẻ sau trận chung kết đơn nữ giải Úc mở rộng 2021. Đó chính là phong cách của Osaka, bởi cô cũng từng cúi đầu chào Williams - thần tượng từng 23 lần vô địch Grand Slam, đồng thời là bại tướng của Osaka tại bán kết.
Sau chức vô địch Grand Slam thứ tư, giới chuyên môn chắc mẩm Naomi Osaka sẽ trở thành nữ hoàng mới của làng quần vợt nữ thế giới. Vị trí số ba thế giới của Osaka sẽ nhích lên một bậc sau khi WTA chính thức công bố thứ hạng mới vào hôm nay (22-2).
Thành quả hiện tại của Osaka khác xa so với một năm trước. Thời điểm cô phải đối diện với mọi khó khăn, luôn cảm thấy căng thẳng khi được kỳ vọng sẽ bảo vệ danh hiệu Úc mở rộng…, rồi hoàn toàn sụp đổ khi thua sốc đối thủ 15 tuổi Coco Gauff tại vòng ba.
Nhận xét về cô học trò, HLV Wim Fissette cho biết: “Osaka luôn rất lo lắng vì những áp lực bủa vây cô ấy. Trông Osaka khá lạnh vì cô ấy không thể hiện cảm xúc của mình”.
Chỉ vài tuần sau, Osaka càng bế tắc khi chỉ thắng được Sara Sorribes Tormo (Tây Ban Nha) ba game trong một trận đấu giải Fed Cup. “Tân nữ hoàng” giải Úc mở rộng bộc bạch: “Có rất nhiều điều xảy ra tại thời điểm đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời mình. Tôi mâu thuẫn bởi hai luồng tư tưởng là chơi quần vợt để chứng tỏ điều gì đó với thế giới hay tôi chơi để giải trí vì tôi yêu nó?”.
Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi trong thời kỳ đại dịch COVID-19, sau khi Osaka tìm được quan điểm mới và trở thành người có tiếng nói trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Với tư cách là một vận đông viên, tay vợt sở hữu chuỗi 21 trận toàn thắng đang nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy những vấn đề công bằng xã hội.
Tay vợt mang hai dòng máu Nhật, Mỹ tiết lộ: “Điều mà tôi tự hào nhất bây giờ là tôi đã trở nên mạnh mẽ về mặt tinh thần. Tôi đã từng nghi ngờ chính bản thân. Sau quá trình cách ly và nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra trên toàn thế giới, tôi nhận thấy được rất nhiều quan điểm quan trọng”.
Cha người Mỹ nhưng chọn quê mẹ làm quốc gia khoác áo thi đấu
Naomi Osaka sinh ra tại Osaka (Nhật Bản), hiện mang hai quốc tịch Mỹ, Nhật. Dù đang sinh sống tại Mỹ nhưng cô gái 23 tuổi luôn chọn quê mẹ Nhật Bản để khoác áo thi đấu.
So với lần đầu tiên dự tranh Úc mở rộng 2016, qua năm năm, Osaka đang có những bước tiến bộ vượt bậc.
Từ một cô bé nhút nhát, không tự tin trước ánh đèn sân khấu, Osaka dần trở nên đĩnh đạc, biết sử dụng sự ảnh hưởng ngày càng lớn của mình. Mới đây cô vừa lên án Yoshiro Mori, góp tiếng nói buộc đồng hương người Nhật rời ghế chủ tịch Olympic Tokyo vì những bình luận phân biệt giới tính.
Trên bảng xếp hạng những nữ VĐV giàu nhất thế giới, Osaka dù đã vượt mặt đàn chị Serena Williams, vươn mình thành “sao thế giới” nhưng vẫn luôn duy trì thái độ khiêm tốn và tôn trọng mọi đối thủ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/naomi-osaka-co-gai-nhut-nhat-4-lan-vo-dich-grand-slam-968430.html