NATO cần làm gì để khôi phục trụ cột thiếu vắng?

Trong bài phân tích mới đây trên trang tin Foreign Affairs, giới phân tích nhận định NATO cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu trụ cột an ninh châu Âu.

Chiến tranh bùng nổ ở Ukraine và chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ tới gần. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo NATO đang "đau đầu" để chuẩn bị cho ảnh hưởng từ những sự kiện này.

Máy bay chiến đấu của Phần Lan ở Constanta, Romania, tháng 6/2024. Ảnh: Reuters

Máy bay chiến đấu của Phần Lan ở Constanta, Romania, tháng 6/2024. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng quốc phòng Đức và Đan Mạch đã cảnh báo Nga có thể tấn công các đồng minh NATO “trong vòng 5 năm”. Xung đột có thể đến sớm hơn nếu Nga đạt được đột phá trên chiến trường Ukraine.

Và vào cuối năm nay, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, có khả năng đắc cử, cũng khiến các nhà lãnh đạo NATO phải xem xét lại chiến lược. Trong khi đó, bất cứ lãnh đạo Nhà Trắng là ai cũng sẽ tiếp tục xoay nguồn lực sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vị thế lực lượng của Mỹ ở châu Âu sẽ suy giảm.

An ninh xuyên Đại Tây Dương được xây dựng trên hai trụ cột: sức mạnh của Mỹ và sức mạnh của châu Âu. Nếu Mỹ ngần ngại trong cam kết với NATO hoặc bị dàn trải quá mỏng giữa các chiến trường, châu Âu sẽ phải chịu gánh nặng lớn hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa sẵn sàng cho trách nhiệm đó. Mặc dù các chính phủ châu Âu đang tăng cường đầu tư vào quốc phòng và hỗ trợ Ukraine, một số thành viên châu Âu của NATO vẫn chưa đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh. Lượng thiết bị, đạn dược mà các nước châu Âu cung cấp cho Ukraine cũng đã làm cạn kiệt một số kho vũ khí của chính họ.

Củng cố trụ cột châu Âu của NATO là câu trả lời rõ ràng cho vấn đề an ninh của lục địa này. Tuy nhiên, trong 25 năm qua, Mỹ đã miễn cưỡng ủng hộ vai trò lớn hơn của châu Âu trong liên minh. Ngay cả khi Washington kêu gọi các đồng minh châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn miễn cưỡng từ bỏ quyền kiểm soát an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Đã đến lúc tư duy đó thay đổi. Khi các nhà lãnh đạo tụ họp tại Washington nhân hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO vào tháng 7, việc cần làm là cam kết tăng cường phòng thủ châu Âu. Châu Âu cần tăng chi để cải thiện khả năng quân sự và sức mạnh chiến đấu cũng như phối hợp tốt hơn các nỗ lực của từng quốc gia. Những nỗ lực này cũng cần sự khuyến khích từ Mỹ.

Trên thực tế, cam kết về an ninh tập thể xuất hiện đầu tiên ở châu Âu. Năm 1948, Bỉ, Pháp, Luxembourg, Hà Lan và Vương quốc Anh đã ký Hiệp ước Brussels, trong đó có điều khoản phòng thủ chung. Hiệp ước đã thuyết phục Quốc hội Mỹ lúc đó còn hoài nghi rằng các nước châu Âu sẽ là đối tác quốc phòng tận tâm trong Chiến tranh Lạnh đang nổi lên, và Washington nhất trí thành lập NATO vào năm sau đó.

Châu Âu đã dựa vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ trong suốt Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô tan rã, châu Âu đã mất cảnh giác. Chi tiêu quốc phòng trung bình ở các nước châu Âu đã giảm từ hơn 3% GDP trong Chiến tranh Lạnh xuống còn 1,6% vào năm 1995. Các xung đột Balkan những năm 1990 cho thấy sự xuống dốc của lực lượng châu Âu. Khi NATO can thiệp, quân đội Mỹ gánh trách nhiệm phần lớn cuộc chiến.

Kinh nghiệm ở Balkan đã thúc đẩy những thay đổi trong EU. Năm 1998, Pháp và Anh đã ký tuyên bố Saint-Malo, lần đầu tiên hứa hẹn về một chiến lược phòng thủ chung của châu Âu và nhằm đặt nền móng cho lực lượng quân sự của EU.

Dù các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng trước năng lực an ninh không đầy đủ của châu Âu trong cuộc khủng hoảng Balkan, Washington vẫn lo ngại hơn rằng một châu Âu ngày càng tự chủ sẽ làm suy yếu quyền lực của Mỹ trong NATO và đe dọa sự gắn kết của liên minh.

Ngày nay, trụ cột châu Âu phải là mục tiêu để theo đuổi. Một châu Âu mạnh mẽ trong NATO sẽ không chia liên minh làm hai hoặc yêu cầu NATO chuyển giao trách nhiệm phòng thủ tập thể cho EU. Cuộc chiến tại Ukraine cho thấy rằng hai tổ chức này đảm bảo an ninh cho châu Âu trong những vấn đề quan trọng.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nato-can-lam-gi-de-khoi-phuc-tru-cot-thieu-vang.html