Trung tâm Tên lửa nhà nước Makeyev bắt đầu tiến hành sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất RS-28 Sarmat, thông tin trên do chính Tổng giám đốc Vladimir Degtyar tiết lộ.
"Theo kế hoạch, tên lửa này sẽ đảm bảo an ninh của Nga trong 40 - 50 năm tới. Trong điều kiện hiện nay, Sarmat sẽ giữ vai trò 'lá chắn tin cậy' và là nhân tố chính trong khả năng răn đe hạt nhân của Nga", ông Degtyar nói thêm.
Đáng chú ý là tuyên bố trên được Nga đưa ra giữa thời điểm căng thẳng với NATO leo thang, có lẽ Moskva muốn nhắc nhở đối thủ về tiềm năng hạt nhân hàng đầu thế giới của mình, động thái trên có thể khiến Liên minh quân sự phương Tây phải lo ngại.
Tên lửa đạn đạo chiến lược liên lục địa RS-28 Sarmat là một trong 5 loại vũ khí chiến lược thế hệ mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu lần đầu trong thông điệp liên bang đọc hồi tháng 3/2018.
RS-28 Sarmat được tích hợp động cơ nhiên liệu lỏng cho nên nó có kích thước khổng lồ với chiều dài 36,3 m; đường kính thân 3 m và trọng lượng phóng tối đa lên tới 210 tấn.
Tầm bắn của RS-28 Sarmat lên tới 10.900 km, vận tốc tối đa Mach 20,7 (25.000 km/h), mang theo đa đầu đạn hạt nhân công suất lớn (10 đầu đạn hạng nặng hoặc 24 đầu đạn hạng nhẹ).
Đương lượng nổ của các đầu đạn trang bị cho tên lửa RS-28 Sarmat theo quảng cáo có thể lên tới 50 MT, đủ sức hủy diệt cả một bang của nước Mỹ và gần như không thể đánh chặn.
Tên lửa Sarmat còn thực hiện được đường bay phức tạp nhằm ngăn cản khả năng nội suy điểm chạm của radar phòng thủ, khiến đối phương không thể đưa ra biện pháp đánh chặn đủ hiệu quả.
Hệ dẫn đường siêu chính xác của tên lửa RS-28 Sarmat cho nó vòng tròn bán kính sai lệch mục tiêu chỉ 10 m, cộng với đương lượng nổ cực mạnh khiến nó trở thành thứ vũ khí khủng khiếp.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý mặc dù ICBM Sarmat hạng nặng của Nga được gọi là tên lửa Satan-2, nhưng nhiều chuyên gia quân sự phương Tây lại nhận xét rằng vũ khí này không quá đáng sợ, thậm chí "chỉ là món đồ chơi" so với sản phẩm cũ.
Cụ thể, Sarmat bị cho rằng có khoảng cách rất xa so với tên lửa đạn đạo liên lục địa Satan từ thời Liên Xô. Điều này chủ yếu là do khả năng kỹ thuật của ICBM hạt nhân Liên Xô và do yếu tố tâm lý tác động.
Theo giới chuyên gia, sức mạnh ước tính của các đầu đạn mà ICBM hạng nặng Sarmat mang được thực chất chỉ vào khoảng 7,5 - 10 MT, tương đương với 470 quả bom hạt nhân được thả xuống Hiroshima.
Trong khi đó ICBM R-36M Satan ra đời từ thời Liên Xô đã mang được đầu đạn với đương lượng nổ 20 MT (tối đa 26 MT theo các nguồn khác), tương ứng với gần 1.000 quả bom hạt nhân được thả xuống Hiroshima.
Các nhà phân tích cũng chú ý đến tác động tâm lý, mặc dù có thông tin Sarmat sẽ được trang bị đầu đạn dạng tàu lượn siêu vượt âm, nhưng điều này không dẫn đến bất kỳ sự hoảng loạn nào, trong khi Satan thực sự khiến cả thế giới kinh sợ.
Nhận định trên của phương Tây không phải thiếu cơ sở, bởi nhiều "siêu vũ khí" của Nga đã được chứng minh rơi vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột", khi tính năng thực tế thua xa quảng cáo.
Nếu thực sự muốn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat trở thành công cụ răn đe hạt nhân hữu hiệu, Nga sẽ còn nhiều việc phải làm nhằm chứng minh đây không phải "vũ khí trên giấy".
Bạch Dương