NATO học hỏi các kế hoạch quân sự bí mật thời Chiến tranh Lạnh
Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius (Litva) vào tháng 7 tới, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến phê duyệt hàng nghìn trang kế hoạch quân sự bí mật, lần đầu tiên được công bố kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Động thái này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn khi NATO thấy không cần phải vạch ra các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn do cảm thấy nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu.
Với cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra, NATO cảnh báo họ phải chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước khi một cuộc xung đột với một đối thủ tiềm tàng như Moskva có thể nổ ra.
Với việc vạch ra kế hoạch khu vực, NATO sẽ hướng dẫn các quốc gia thành viên cách nâng cấp lực lượng và hậu cần.
"Các đồng minh sẽ biết chính xác những lực lượng và khả năng nào là cần thiết, bao gồm cả việc triển khai ở đâu, triển khai những gì và như thế nào", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói về các tài liệu tuyệt mật. Tương tự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một số quân đội sẽ được chỉ định để bảo vệ một số khu vực nhất định.
Năm 2014, sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, các đồng minh phương Tây đã lần đầu tiên triển khai quân chiến đấu đến các vùng phía Đông. Anh, Canada và Đức đều dẫn đầu lực lượng triển khai tại các quốc gia vùng Baltic.
Tuy nhiên, tất cả những động thái mà NATO làm hiện nay không làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến kiểu Chiến tranh Lạnh khác sẽ xảy đến.
Mặc dù mang nhiều đặc điểm giống với mô hình quân sự của NATO trước năm 1990, hiện liên minh đã thay đổi một số yếu tố quan trọng như mở rộng khoảng 1.000 km biên giới về phía Đông và số lượng thành viên tăng từ 12 lên 31.
Chỉ riêng việc Phần Lan gia nhập liên minh vào tháng trước đã tăng gấp đôi biên giới giữa NATO và Nga, lên khoảng 2.500 km, khiến quá trình tiếp cận triển khai linh hoạt hơn so với trước đây khi Đức được coi là chiến trường chính.
Bên cạnh đó, Internet, máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh và luồng thông tin nhanh chóng đặt ra những thách thức mới.
"Tin tốt chúng ta có là tính minh bạch trên chiến trận. Với tất cả vệ tinh, với tất cả thông tin tình báo, chúng ta có thể bao quát một cuộc khủng hoảng đang diễn ra”, Trung tướng Hubert Cottereau, Phó Tham mưu trưởng Sở chỉ huy tối cao các lực lượng đồng minh châu Âu (SHAPE), cho biết.
Tuy nhiên, NATO vẫn sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó nhằn trong việc cải thiện đáng kể mức độ sẵn sàng của lực lượng. Năm 2022, các lãnh đạo NATO đã nhất trí tăng từ 40.000 lên 300.000 quân được đặt trong tình trạng báo động cao.
Không chỉ vậy, NATO cũng đang phải giải quyết những thiếu sót trong khả năng sản xuất đủ vũ khí và đạn dược. Liên minh quân sự này còn phải nâng cấp các cơ sở hạ tầng, thiết bị hậu cần từ lâu không để mắt đến để có thể nhanh chóng triển khai quân đội qua đường sắt hoặc đường bộ.
Các quan chức NATO ước tính sẽ mất vài năm để các kế hoạch được triển khai và hoàn thành đầy đủ, mặc dù họ nhấn mạnh liên minh vẫn có thể tiếp chiến ngay lập tức trong tình huống cần thiết.