NATO lên kế hoạch triển khai lữ đoàn thiết giáp mới gần biên giới Nga
NATO dự kiến triển khai một lữ đoàn thiết giáp mới gồm 5.000 quân tại Phần Lan để tăng cường khả năng răn đe đối với Nga.
NATO dự định triển khai một lữ đoàn thiết giáp tại Phần Lan nhằm răn đe chống lại Nga, tờ Iltalehti đưa tin ngày 22/8, trích dẫn các nguồn tin từ khối quân sự do Mỹ đứng đầu và chính phủ tại Helsinki.
Theo tờ Iltalehti, lực lượng này có thể có quy mô từ 4.000 đến 5.000 quân, sẽ được đóng tại Mikkeli ở phía đông nam Phần Lan. Mikkeli chỉ cách biên giới với Nga 87 dặm (140 km) với dân số 51.000 người.
Các nguồn tin của tờ báo cho biết lữ đoàn này sẽ bao gồm quân đội NATO từ các quốc gia láng giềng Thụy Điển và Na Uy.
Cũng theo bài báo, chính phủ Phần Lan đã quyết định triển khai quân đội NATO từ các quốc gia khác để "tăng cường răn đe phòng thủ" đối phó với Nga.
Iltalehti đưa tin quyết định thành lập một trụ sở quân sự của NATO tại Mikkeli sẽ chính thức được công bố trong những tuần tới.
Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập lâu đời của mình và trở thành thành viên NATO vào tháng 4/2023, với lý do lo ngại về xung đột Nga-Ukraine. Trước động thái này, Moskva tuyên bố sẽ điều chỉnh thế trận phòng thủ của mình ở phía tây bắc nước Nga. Tuy nhiên, các quan chức cũng chỉ ra rằng họ không coi sự tham gia của Helsinki vào khối này là mối đe dọa mang tính sống còn.
Ngày 21/8, chia sẻ với đài truyền hình nhà nước Yle, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen cho biết Helsinki đang đàm phán với một số quốc gia NATO về việc triển khai binh lính của họ đến Phần Lan ngay cả khi quốc gia này không phải đối mặt với mối đe dọa quân sự ngay lập tức.
Ông nhấn mạnh lực lượng của khối này phải "toàn diện và đủ lớn để hiện diện đầy đủ trong các tình huống khủng hoảng". Theo ông Hakkanen, các binh lính của Phần Lan và các quốc gia NATO khác có thể tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nếu có "tình hình căng thẳng ở biên giới" với Nga.
NATO gần đây đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ phá hoại từ Nga, mặc dù tổ chức này đã gia tăng việc cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine. Mỹ và các đồng minh nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ đối với Kiev không đồng nghĩa với việc họ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Moskva, bất chấp những cảnh báo liên tục từ Nga về vấn đề này.