NATO: Những gì liên minh lựa chọn hôm nay sẽ 'quyết định tình hình thế giới trong nhiều thập kỷ tới'
Ngày 30/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định, tổ chức này hiện đang thực hiện chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm cho Ukraine.
Phát biểu trước thềm cuộc họp không chính thức cấp Ngoại trưởng NATO tại Oslo (Na Uy), ông Stoltenberg cho hay, mục đích của chương trình trên nhằm giúp Ukraine chuyển đổi các tiêu chuẩn và trang thiết bị từ thời Liên Xô sang các tiêu chuẩn và trang thiết bị hiện đại của khối, đồng thời đưa Kiev xích lại gần liên minh hơn.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Chúng ta cần có một khuôn khổ đảm bảo an ninh lâu dài dành cho Ukraine. Rõ ràng là tất cả các đồng minh NATO đều đồng thuận rằng cánh cửa của liên minh luôn rộng mở và Kiev sẽ trở thành thành viên".
Theo người đứng đầu NATO, chính Ukraine cùng các thành viên liên minh quân sự sẽ quyết định khả năng đó chứ không phải Nga", song lưu ý, "điều quan trọng nhất lúc này là phải đảm bảo Kiev sẽ thắng thế trong xung đột, nếu không, sẽ không có tương lai để thảo luận”.
Tổng Thư ký Stoltenberg cũng cho rằng, đối với xung đột Nga-Ukraine, những gì mà liên minh quân sự này lựa chọn thực hiện và không thực hiện bây giờ sẽ quyết định tình hình thế giới trong nhiều thập kỷ tới.
Nhấn mạnh rằng, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, các đồng minh NATO đã có những viện trợ quân sự quan trọng cho Kiev, nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng các nước sẽ có thêm nhiều thông báo và quyết định mới trong thời gian tới, cũng như tại Thượng đỉnh của liên minh vào tháng 7 tại Lithuania.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania, NATO sẽ tăng cường hơn nữa năng lực răn đe và phòng thủ của liên minh, chấp thuận những kế hoạch chi tiết về việc bảo vệ các nước đồng minh và đặt ra các yêu cầu chính xác về khả năng mà từng quốc gia phải cung cấp, cũng như lực lượng nào được yêu cầu.
Ông Stoltenberg chia sẻ: “Tất cả những yếu tố này là một phần của quá trình chuyển đổi và củng cố NATO đã được tiến hành từ năm 2014, đó là tái cấu trúc liên minh trong thập kỷ qua để chuẩn bị cho thập kỷ tới”.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Stoltenberg cũng tái khẳng định cam kết với mục tiêu dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng của NATO, cho rằng đây không còn là mức trần để liên minh quân sự này hướng tới, mà là mức tối thiểu phải đạt được.
Về thành viên mới Phần Lan, trong cuộc tập trận đang diễn ra ở Bắc Cực, cùng ngày, NATO đã nhấn mạnh cam kết bảo vệ quốc gia Bắc Âu này, giúp họ "nâng cao năng lực và sẵn sàng hỗ trợ họ trong bất cứ hoàn cảnh nào”.