'NATO phải tập trung đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc'

Báo cáo của 'các nhà thông thái' nói rằng NATO phải thích ứng với một Trung Quốc 'không lành hiền' như phương Tây từng hy vọng.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải suy nghĩ nhiều hơn về cách đối phó Trung Quốc và việc nước này ngày càng mạnh lên về quân sự, mặc dù Nga sẽ vẫn là đối thủ chính của NATO trong suốt thập niên này

Đó là nội dung của một báo cáo sẽ được công bố trong ngày 1-12 về việc cải tổ liên minh này, theo hãng tin Reuters.

Báo cáo “NATO 2030”, do một nhóm “các nhà thông thái” soạn thảo và bao gồm 138 đề xuất. Báo cáo được công bố trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoài nghi về mục đích và sự cần thiết của liên minh từng bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho là “chỉ còn sống đời thực vật” hồi năm ngoái.

Cờ NATO và các quốc gia thành viên. Ảnh: NATO.INT

Cờ NATO và các quốc gia thành viên. Ảnh: NATO.INT

“Trung Quốc không còn là đối tác thương mại lành hiền mà phương Tây từng hy vọng. Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy trong thế kỷ của chúng ta, và NATO phải thích ứng” - một nhà ngoại giao NATO đã xem báo cáo, cho biết.

Nhà ngoại giao này lưu ý đến các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực và châu Phi, cũng như các khoản đầu tư lớn của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng ở châu Âu.

Vẫn nhà ngoại giao trên trích dẫn báo cáo nói rằng một phần trong phản ứng của NATO là tổ chức này cần phải duy trì lợi thế công nghệ so với Trung Quốc, bảo vệ mạng máy tính và cơ sở hạ tầng, dù không phải tất cả các khuyến nghị trong báo cáo sẽ được khối này chấp thuận thông qua.

Cũng theo báo cáo, liên minh gồm 30 thành viên này có thể củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với các nước không thuộc NATO như Úc, và tập trung nhiều hơn vào khả năng răn đe trong không gian, nơi Trung Quốc đang phát triển các thiết bị của họ.

Trong các bình luận đưa ra hôm 30-11, trước khi báo cáo được công bố, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra “những thách thức quan trọng đối với an ninh” của các quốc gia tham gia tổ chức này.

“Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào các loại vũ khí mới. Họ đang tiến đến gần chúng ta hơn, từ Bắc Cực cho đến châu Phi. Trung Quốc không chia sẻ các giá trị của chúng tôi... và họ cố đe dọa các nước khác” - ông phát biểu trong một cuộc họp báo, kêu gọi các nước đồng minh cùng nhau giải quyết vấn đề này.

Các nhà ngoại giao trích dẫn báo cáo nói rằng NATO nên cân nhắc đưa Trung Quốc vào văn kiện chiến lược tổng thể chính thức của tổ chức này, có tên gọi “Khái niệm chiến lược”, nhưng sẽ kiềm chế không gọi Trung Quốc là một đối thủ.

Trong các khuyến nghị khác, báo cáo sẽ đề xuất các ngoại trưởng NATO nhóm họp thường xuyên hơn và sẽ kêu gọi tăng cường vai trò của tổng thư ký như một nhà hòa giải quốc tế.

Báo cáo sẽ được các ngoại trưởng NATO thảo luận vào ngày 1-12 (giờ địa phương) trước khi được trình lên các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của liên minh này vào năm tới.

Ngay cả khi kỷ nguyên “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc và người châu Âu hoan nghênh việc người dân Mỹ chọn một tổng thống theo “chủ nghĩa Đại Tây Dương” như ông Joe Biden, căng thẳng về khả năng hành động của NATO vẫn còn.

Từ sự tức giận với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống vũ khí của Nga cho đến sự nghi ngờ của Mỹ về cam kết của châu Âu đối với việc phòng thủ, NATO – tổ chức được thành lập vào năm 1949 để ngăn chặn mối đe dọa quân sự từ Liên Xô trước đây - cũng đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ Tổng thống thứ 45 của Mỹ về việc phải làm nhiều hơn ở Trung Đông.

Tuy nhiên, các nước Đông Âu trong NATO, vốn e dè Nga kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine hồi năm 2014, lại lo ngại về việc dịch chuyển quá nhiều nguồn lực ra khỏi nhiệm vụ cốt lõi của NATO là bảo vệ châu Âu.

TRÙNG QUANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nato-phai-tap-trung-hon-vao-su-troi-day-cua-trung-quoc-953004.html