NATO sử dụng thiết bị không người lái dưới nước và AI giúp phát hiện được hoạt động khả nghi
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chạy đua để phát triển các công nghệ cho phép phát hiện hoạt động đáng ngờ gần cơ sở hạ tầng quan trọng.
29-9 là ngày cuối cùng của cuộc tập trận hải quân có tên Dynamic Messenger 23 kéo dài 10 ngày với sự tham gia của 14 quốc gia NATO, trong đó có Thụy Điển và Phần Lan tại khu vực khoài khơi Latvia và Estonia. Đây là một bước chuẩn bị cho cuộc tập trận vào năm 2024 có tên Steadfast Defender. Cuộc tập trận quy mô lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh mô phỏng sự hỗ trợ của Mỹ đối với châu Âu khi NATO kích hoạt điều khoản phòng thủ chung. Cuộc tập trận năm 2024 có thể huy động tới 40.000 binh sĩ và 500 đến 700 nhiệm vụ không chiến.
Trung tướng Hans-Werner Wiermann, người đứng đầu đơn vị bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển của NATO cho biết, thiết bị không người lái dưới nước và AI sẽ giúp phát hiện được hoạt động khả nghi xung quanh cơ sở hạ tầng dưới nước, cho phép 31 đồng minh NATO xem xét đưa ra các phản ứng ngoại giao hoặc quân sự dựa trên “nền tảng thông tin chắc chắn”.
NATO cho biết, cơ sở hạ tầng dưới biển của khối gồm cáp dữ liệu, nơi các giao dịch tài chính trị giá khoảng 10 nghìn tỷ USD được thực hiện mỗi ngày và khoảng 95% lưu lượng truy cập internet toàn cầu; Hệ thống đường ống dẫn khí Baltic từ Đan Mạch tới Ba Lan.
Trong cuộc tập trận, các cảm biến gắn trên cáp dữ liệu sẽ phát hiện tàu mô phỏng của đối thủ, sau đó phát tín hiệu cảnh báo đến bộ phận chỉ huy và kiểm soát của NATO. Sau khi xác nhận mối đe dọa, NATO cử tổ hợp không người lái trên không, trên mặt nước và dưới nước để đánh chặn và kiểm soát con tàu đáng ngờ.
John Potter, nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu và Thử nghiệm hàng hải của Tổ chức Khoa học và Công nghệ NATO (CMRE) “Các phương tiện tự hành không có người lái có thể được điều động để làm những công việc nguy hiểm”.
Hiện tại, CMRE đang nỗ lực hỗ trợ tăng cường hiệu quả mạng lưới liên lạc dưới nước để cho phép các robot làm việc cùng nhau và để gửi báo cáo về trung tâm điều khiển một cách chính xác hơn.
Hiện tại, khó khăn của NATO là xây dựng một phương thức liên lạc không dây đồng bộ dưới nước, như mạng Wifi trên mặt đất, để đảm bảo khả năng tương tác giữa các thiết bị từ các nhà sản xuất khác nhau.
Phương án đang được đưa vào thử nhiệm trong thời gian gần đây là mạng JANUS. Theo ông John Potter, đây là một hệ thống tín hiệu kỹ thuật số dưới nước có thể được sử dụng để liên lạc thông qua một định dạng chung, cho phép bất kỳ thiết bị nào hoạt động dưới mặt nước tự tổ chức thành một mạng lưới liên kết để trao đổi thông tin.
Với việc cải thiện khả năng liên lạc dưới biển, hệ thống cảnh báo có thể vận hành một cách tự động mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người. Trung tâm điều khiển trên đất liền do các kỹ sư công nghệ cao giám sát sẽ đưa ra những quyết định can thiệp trong trường hợp cần thiết.