NATO tạm gác kế hoạch mở văn phòng liên lạc ở Nhật Bản
Một thông cáo chung được công bố ngày 11/7 đã không đề cập đến các kế hoạch mở văn phòng liên lạc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Tokyo, Nhật Bản.
Kế hoạch mở văn phòng NATO ở Tokyo là nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ban đầu, NATO lên kế hoạch đề cập việc thành lập văn phòng này trong các tài liệu được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày 11-12/7 tại Litva. Nhưng Pháp đã phản đối ý tưởng đó, do có thể sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ với Trung Quốc và lo ngại kế hoạch sẽ khó được 31 thành viên đồng thuận. Do đó, NATO sẽ hoàn thiện quyết định này vào cuối năm nay.
Đề xuất về mở văn phòng Tokyo do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khởi xướng. NATO muốn có một địa điểm liên lạc ở Nhật Bản - đối tác của NATO ở châu Á - và tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Trong năm thứ hai liên tiếp, các nguyên thủ quốc gia từ Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO.
Ý tưởng mở văn phòng ở Tokyo được đưa ra trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo NATO coi việc đối phó với Trung Quốc là điều rất quan trọng đối với an ninh của mình, nhất là trong các lĩnh vực an ninh mới hơn như chiến tranh mạng và thông tin.
Thông cáo chung của NATO nói rằng các tham vọng và chính sách của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của NATO và bày tỏ lo ngại về quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga.
Về phần mình, ngày 12/7, phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu cho biết họ quan ngại sâu sắc về tham vọng tìm kiếm bành trướng và sự di chuyển về phía Đông của NATO ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó, ngày 24/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương không hoan nghênh kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản. Bà Mao Ning nói: “Chúng tôi muốn nói rằng châu Á - Thái Bình Dương không hoan nghênh đối đầu nhóm, không hoan nghênh đối đầu quân sự”. Bà cũng nói rằng Nhật Bản nên hết sức thận trọng về vấn đề an ninh quân sự.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bình luận về việc NATO định mở văn phòng ở Nhật Bản. Trước đó, ngày 4/5, bà Mao Ning nói: “Châu Á là mỏ neo cho hòa bình và ổn định, là miền đất hứa cho hợp tác và phát triển, không phải là sàn đấu để cạnh tranh địa chính trị".
Nga, vốn phản đối mạnh mẽ NATO mở rộng ở Đông Âu, cũng chỉ trích những nỗ lực của khối này nhằm mở rộng các hoạt động sang châu Á.
Ngày 15/5, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đứng sau động thái hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và NATO, đồng thời lên án tham vọng xây dựng khối quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim Sol-hwa, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nhận định mối quan hệ quân sự “chưa từng có” của Nhật Bản với NATO đã gây ra mối quan ngại lớn trong cộng đồng quốc tế. Ông cũng cảnh báo Nhật Bản nếu tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ quân sự tương tự ở bên ngoài.
Nguồn tin cho biết NATO và Nhật Bản lên kế hoạch nâng cấp hợp tác trong giải quyết mối đe dọa trên mạng, thông tin sai lệch, công nghệ mới nổi và đột phá. Tờ báo này cũng cho biết theo kế hoạch văn phòng liên lạc mới của NATO tại Tokyo sẽ mở vào năm 2024.