NATO: Thương vụ tàu ngầm mới không ảnh hưởng tới hợp tác quân sự trong khối

Ngày 18/9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hạ thấp nguy cơ xảy ra tranh chấp trong liên minh giữa Pháp với Mỹ và Australia về một hợp đồng tàu ngầm, khi nói rằng việc này không có khả năng ảnh hưởng đến sự 'hợp tác quân sự' trong khối.

Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer. (Nguồn: World Today News)

Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer. (Nguồn: World Today News)

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Athens (Hy Lạp), Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer nói: “Có thể có những tác động hoặc hậu quả, nhưng vào lúc này tôi không thấy thương vụ tàu ngầm mới sẽ có tác động đến sự gắn kết trong nội bộ NATO.

Trước hết, Australia là một đối tác nhưng không thuộc NATO. Có nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến NATO về mặt chính trị. Tuy nhiên hiện tại, nó sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác quân sự trong NATO”.

Hôm 16/9, Pháp đã cáo buộc Australia về hành vi "đâm sau lưng", sau khi Canberra hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm hạt nhân, trị giá 36,5 tỷ USD, được ký năm 2016 với Paris.

Tập đoàn Hải quân của Pháp, một phần thuộc sở hữu nhà nước, đã được chọn để đóng 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường cho Australia, dựa trên tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Barracuda của Pháp.

Tuy nhiên, ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một liên minh quốc phòng Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) mới, chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cho Australia cũng như phòng thủ mạng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và năng lực dưới đáy biển.

(theo AP, WION)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nato-thuong-vu-tau-ngam-moi-khong-anh-huong-toi-hop-tac-quan-su-trong-khoi-158977.html