NATO từ chối yêu cầu của Serbia về việc triển khai quân ở Kosovo
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từ chối yêu cầu của Chính phủ Serbia về việc điều 1.000 lính và cảnh sát tới Kosovo sau một loạt các cuộc đụng độ ở đây.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pink ngày 8/1, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết: “Phái bộ NATO tại Kosovo (KFOR) trả lời, họ cho rằng không cần thiết phải đưa quân đội Serbia trở lại Kosovo ... với lí do nghị quyết của Liên Hợp Quốc phê chuẩn sứ mệnh của họ ở Kosovo”.
Kosovo đã ly khai Serbia và tuyên bố độc lập năm 2008, tiếp sau cuộc chiến 1998 – 1999, trong đó NATO ném bom Liên bang Nam Tư cũ (gồm Serbia và Montenegro) để bảo vệ Kosovo, nơi cư trú của đa số người Albania. Tháng trước, lần đầu kể từ khi kết thúc chiến tranh, Serbia đã yêu cầu triển khai quân đội ở Kosovo giữa lúc xảy ra một loạt các cuộc đụng độ giữa chính quyền Kosovo với những người Serbia ở phía bắc vùng lãnh thổ, nơi họ chiếm đa số.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nêu rõ, nếu được KFOR chấp thuận, Serbia có thể được phép bố trí binh sĩ tại các cửa khẩu biên giới, các địa điểm tôn giáo của Cơ đốc giáo chính thống và những khu vực có đa số người Serbia sinh sống.
Ông Vucic chỉ trích KFOR vì đã thông báo cho Serbia về quyết định trên vào đêm Giáng sinh của Cơ đốc giáo chính thống (ngày 7/1), sau khi cảnh sát Kosovo bắt giữ một người lính ngoài ca trực, tình nghi đã bắn và làm bị thương 2 người Serbia trẻ tuổi gần thị trấn Shterpce. Truyền thông Serbia đưa tin, thêm một nam thanh niên tình nghị đã bị một nhóm người Albania tấn công và đánh đập trước đó cùng ngày, sau khi đi lễ nhà thờ.
Các quan chức Serbia gọi những sự cố trên là “hành vi khủng bố”, phản ánh việc người Serbia không được chào mừng ở Kosovo, đồng thời công bố các cuộc biểu tình ở Shterpce hôm nay (8/1).
Theo Reuters, các tổ chức quốc tế đã lên án những vụ tấn công như vậy, với lí do chúng sẽ gia tăng sự ngờ vực giữa người Albania chiếm đa số và khoảng 100.000 người Serbia sống ở Kosovo.
Một nửa số người Serbia này sống ở phía bắc và hầu hết từ chối công nhận độc lập của Kosovo. Nửa còn lại sống ở các khu vực khác của Kosovo, chẳng hạn như Shterpce, và hầu hết đã công nhận chính quyền Pristina cũng như tham gia vào đời sống chính trị tại đây.