'NATOME' và 'đường lui' của Mỹ

Sau những diễn biến căng thẳng với Iran gần đây, Mỹ dường như đang tính đường rút khỏi Trung Đông nhưng 'theo cách thức riêng' như tuyên bố mới đây của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien. Không khó để phán đoán cách thức riêng của Mỹ là gì trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump trước đó đã đề nghị NATO can dự nhiều hơn vào khu vực này…

Tuy nhiên, con đường rút khỏi Trung Đông của Mỹ có vẻ sẽ khó thực hiện một cách nhanh chóng như khi Mỹ quyết định phát động các cuộc chiến tranh ở Trung Đông trước đây. Bởi lãnh đạo NATO cho dù ngoài mặt tỏ ra đồng tình với lời kêu gọi “NATOME”, một số nước thành viên lại chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Iraq để bảo đảm an toàn trước nguy cơ căng thẳng Mỹ-Iran leo thang. Ông Donald Trump đã đề xuất NATO nên đổi tên mới thành NATOME kết hợp giữa tên gọi Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Trung Đông (Middle East) để thể hiện yêu cầu NATO cần mở rộng ảnh hưởng và chủ động hơn ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran leo thang.

Ngay sau khi xảy ra vụ Mỹ sát hại tướng Iran Soleimani, Canada và Đức đã lên kế hoạch tạm thời đưa quân rời Iraq sang các nước láng giềng. Hungary cũng sẵn sàng để rời đi khi có lệnh rút quân chính thức. Không quốc gia nào dám mạo hiểm tính mạng binh sĩ của mình trong bối cảnh bầu không khí chiến tranh đang bao trùm khu vực sau khi Iran bắn hàng loạt tên lửa tấn công vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq hồi tuần trước.

 Tổng thống Donald Trump muốn NATO đổi tên thành NATOME. Ảnh: The National Interest.

Tổng thống Donald Trump muốn NATO đổi tên thành NATOME. Ảnh: The National Interest.

Trong khi ông Donald Trump đang tâm đắc với tên gọi “NATOME” mà ông cho là “ấn tượng”. Đã có nhiều phân tích lật lại chuyện ông từng chỉ trích các nước thành viên NATO gay gắt ra sao vì các nước này không chịu chia sẻ gánh nặng ngân sách quốc phòng của khối. Thậm chí, ông Donald Trump không ít lần đe dọa sẽ rời bỏ khối liên minh quân sự mà ông từng coi là “kẻ ăn bám”... Người ta đặt câu hỏi liệu NATO có thể dễ dàng làm theo lời kêu gọi của Mỹ là đưa quân can dự nhiều hơn vào khu vực sau những bất đồng trước đây? Người ta cũng đặt vấn đề về cách hành xử của nhà lãnh đạo Mỹ đối với NATO cũng như các đồng minh phương Tây. Gần như cả nhiệm kỳ của mình, ông Donald Trump chưa bao giờ dành những lời ưu ái hay thân thiện với đồng minh NATO cũng như phương Tây. Nhưng khi tình hình thay đổi, ông lại quay ra nói rằng muốn họ hỗ trợ nhiều hơn tại Trung Đông. Tổng thống Mỹ cho biết, ông muốn thấy có thêm nhiều binh sĩ của NATO ở Trung Đông bởi các vấn đề (ám chỉ căng thẳng với Iran) đã mang phạm vi quốc tế.

Ông Robert O’Brien tự tin nói rằng “sẽ được thấy sự can dự nhiều hơn của NATO vào tình hình tại Iraq” khi đề cập tới khả năng rút quân của Mỹ khỏi Trung Đông. Ông nói: “Tổng thống nói rằng chúng tôi muốn rút khỏi Trung Đông. Nhưng những gì chúng tôi cần làm là rời đi theo cách thức riêng. Chúng tôi chỉ rút khỏi đây khi nào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bị loại bỏ hoàn toàn…”

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đưa ra những phát biểu trên chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên nhắc tới thuật ngữ NATOME. Sự trùng hợp này cho thấy Mỹ nhiều khả năng đang tính toán kế hoạch rút khỏi Trung Đông sau những đụng độ với Iran. Tuy nhiên, trong bối cảnh Tehran tuyên bố rõ mục tiêu buộc Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi Trung Đông sau khi Iran tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, việc Mỹ rút đi chẳng khác nào thừa nhận sự thất bại trước Nhà nước Hồi giáo. Vì vậy, Mỹ không chỉ cần việc rút lui vào thời điểm nơi đây an toàn trước IS như tuyên bố. Mỹ cũng không chỉ cần rời khỏi Trung Đông khi tìm ra cách riêng. Điều mà Mỹ cần nhất chính là tìm ra cách rút khỏi khu vực này trong danh dự.

Trong bối cảnh năm bầu cử Tổng thống Mỹ đã bắt đầu, lời hứa tranh cử đưa quân đội Mỹ trở về của ông Donald Trump vẫn còn đó, việc chính quyền Washington tính đường lui ở Trung Đông vào thời điểm này là cần thiết và có thể nói là quá muộn. 5.000 lính Mỹ đồn trú ở Iraq nếu rời đi, sẽ không dễ gì lấp khoảng trống. Julie Smith, một chuyên gia tại Quỹ Marshal Đức của Mỹ, đồng thời là cố vấn cho cựu Phó tổng thống Joe Biden nói rằng, vẫn chưa rõ ông Donald Trump muốn gì và không ai hình dung ra việc NATO sẽ thực hiện cuộc triển khai hàng nghìn binh lính theo “phong cách Afghanistan” như thế nào.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh NATO dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể nói là đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Chỉ riêng việc Mỹ quay lưng với thỏa thuận hạt nhân Iran, khiến các nước đồng minh phương Tây như Pháp, Đức cùng các đối tác còn lại chật vật để duy trì thỏa thuận, cũng đủ khiến hai bên khó mà vui vẻ hợp tác trong các vấn đề khác. Có vẻ ông Donald Trump đã quên mất sự bức xúc của châu Âu khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận trước đây. Với các nước đồng minh, Mỹ hiện không còn là đối tác đáng tin cậy với các chính sách đơn phương phục vụ mục tiêu “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump. Trừ khi Mỹ và các nước đồng minh có sự thương lượng và mặc cả với nhau để thúc đẩy các mục tiêu mà mình theo đuổi.

Cách tiếp cận mới của Mỹ để thực hiện kế hoạch rút khỏi Trung Đông, đó là hợp tác với các quốc gia, xem ra được thúc đẩy không đúng thời điểm, khi mà niềm tin dành cho Washington của các nước đã bị xói mòn.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/natome-va-duong-lui-cua-my-607787