Nấu và bán rượu có kiểm soát

Huyện Kim Sơn, vùng đất ven biển của tỉnh Ninh Bình bao đời nay nổi tiếng với làng nghề cói mỹ nghệ và nghề nấu rượu truyền thống.

Rượu Kim Sơn vang danh khắp vùng, nằm trong tốp 10 đặc sản rượu nổi tiếng nhất Việt Nam. Thương hiệu rượu Kim Sơn hiện được gìn giữ và nâng tầm không chỉ bởi bí quyết gia truyền độc đáo, mà còn thể hiện ở cách kiểm soát việc nấu và bán rượu của người dân nơi đây.

Đến Kim Sơn, chúng tôi tìm về xã Lai Thành-địa phương nổi tiếng nhất huyện bởi nghề nấu rượu. Lai Thành được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là làng nghề truyền thống nấu rượu từ năm 2014. Xã Lai Thành hiện có gần 800 hộ duy trì nấu rượu theo phương pháp thủ công. Gia đình ông Đỗ Văn Ngọc (xóm 7A) là một trong số đó. Ông Ngọc cho biết: “Để nấu được nồi rượu ngon chuẩn Kim Sơn thì cần có 3 yếu tố. Thứ nhất là nguồn nước, men và gạo; thứ hai là kinh nghiệm; thứ ba là thời tiết. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là nguồn nước và men. Tôi từng áp dụng kỹ thuật nấu rượu Kim Sơn ở vùng khác nhưng lại cho chất lượng không bằng. Trong khi đó, men để nấu rượu Kim Sơn được làm từ 36 vị thuốc. Từ khi bắt đầu nấu cơm cho đến lúc chưng cất rượu phải trải qua nhiều công đoạn và thường mất khoảng 15 ngày. Rượu Kim Sơn sau khi chưng cất xong để càng lâu càng ngon, càng thơm, giá trị của rượu càng cao và hương vị không lẫn vào đâu được”.

Hệ thống khử độc rượu trước khi đóng chai của cơ sở nấu rượu gia đình ông Đỗ Văn Thìn.

Hệ thống khử độc rượu trước khi đóng chai của cơ sở nấu rượu gia đình ông Đỗ Văn Thìn.

Cũng giống như nhà ông Đỗ Văn Ngọc, gia đình ông Đỗ Văn Thìn (xóm 14A, xã Lai Thành) cũng chưng cất rượu từ loại men có 36 vị thuốc. Điều mà ông Thìn tự hào nhất là ông còn sản xuất một loại rượu độc đáo khi dùng rượu trắng ngâm với đòng đòng lúa nếp. Được biết, tất cả nguyên liệu nấu rượu của gia đình ông Đỗ Văn Thìn đều được mua của các hộ dân trong xã Lai Thành, gồm: Gạo, đòng đòng... trong đó, quan trọng nhất vẫn là gạo nếp cái hoa vàng. Gạo nếp vừa là nguyên liệu chính để nấu rượu, vừa là thành phần quan trọng để làm men. Bên cạnh việc chưng cất rượu trắng và ngâm rượu với đòng đòng, cơ sở nấu rượu của gia đình ông Đỗ Văn Thìn còn có hệ thống máy khử độc tố của rượu. Ông Đỗ Văn Thìn cho biết: “Lâu nay, nhiều người luôn có quan niệm chỉ cần rượu được nấu theo phương pháp thủ công là an toàn. Thực tế, rượu dù nấu theo thủ công hay bán công nghiệp đều chứa lượng độc tố nhất định. Trong quá trình chưng cất, chúng tôi có hệ thống máy lọc loại bỏ độc tố giúp mang lại sự an toàn cho người dùng”.

Bên cạnh việc chưng cất rượu từ những nguồn nguyên liệu sạch, xã Lai Thành luôn chú trọng tới việc bán rượu có kiểm soát. Tìm hiểu được biết, tất cả lượng rượu nấu ra tại xã Lai Thành được Hiệp hội làng nghề nấu rượu xã Lai Thành quản lý, khử độc, dán tem kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường. Đến xã Lai Thành, không phải ai thích mua rượu là có ngay. Hiệp hội làng nghề nấu rượu xã Lai Thành chỉ cung cấp rượu cho các cơ sở uy tín và các hộ dân không được tự ý bán rượu ra bên ngoài, đặc biệt không bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Điều này vừa tuân thủ các quy định trong việc buôn bán rượu của Chính phủ, vừa góp phần giúp bảo vệ thương hiệu rượu Kim Sơn trên thị trường.

Hiện tại, thương hiệu rượu Kim Sơn do người dân xã Lai Thành nấu đã có mặt trên thị trường Nam-Bắc. Nấu ra loại rượu ngon được nhiều người biết đến đã khó, giữ vững thương hiệu trong tâm trí người dùng lại càng khó hơn. Không chạy theo lợi nhuận, nấu rượu bảo đảm vệ sinh, chọn nguyên liệu chuẩn-đó là những yếu tố quan trọng luôn được người dân xã Lai Thành khắc ghi. Ông Trần Văn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Lai Thành cho biết: “Để tuyên truyền sâu rộng đến người dân, hằng năm cùng với hệ thống loa truyền thanh của xã, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp quy tụ các hộ nấu rượu trong xã để tuyên truyền về vấn đề vệ sinh trong quá trình chưng cất. Chúng tôi luôn quán triệt với các hộ gia đình nấu rượu không chạy theo lợi nhuận để làm mất uy tín làng nghề. Nghề nấu rượu không cho nhiều lợi nhuận nhưng việc duy trì nghề giống như cách giữ lại mạch nguồn văn hóa của xã nói riêng và của huyện Kim Sơn nói riêng”.

Nhắc đến làng nghề nấu rượu, nhiều người sẽ quan tâm đến văn hóa uống rượu của vùng đất đó. Bởi có người sẽ nghĩ, việc ngày nào cũng tiếp xúc với rượu thì chẳng mấy chốc mà nghiện. Tại xã Lai Thành, ngoài kiểm soát nấu và bán rượu, việc tuyên truyền văn hóa uống rượu đến đông đảo người dân luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Nhờ duy trì làng nghề nấu rượu cùng với việc kết hợp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nên kinh tế ở Lai Thành rất phát triển và được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2016. Đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của người dân nơi đây không ngừng được nâng cao. Cũng bởi vậy, việc tuyên truyền uống rượu có điểm dừng, không gây hại cho sức khỏe tại xã Lai Thành diễn ra khá thuận lợi. “Từ khi có Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, lãnh đạo UBND xã Lai Thành đã tổ chức các cuộc họp, tuyên truyền tới các ban, ngành, đoàn thể, uống rượu có văn hóa chứ không bê tha. Điều đáng mừng, người dân trong xã đều nghiêm túc thực hiện. Riêng đội ngũ cán bộ, công chức xã tuyệt đối không uống rượu trong giờ hành chính. Ngoài ra, xã Lai Thành còn ban hành một số quy định trong việc sử dụng rượu, bia tại các đám cưới, đám hiếu trong xã để tránh tình trạng say rượu ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Trong năm 2020, không có trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc nào xảy ra tại xã Lai Thành”, ông Trần Văn Lực cho hay.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/nau-va-ban-ruou-co-kiem-soat-653152