Né vết xe đổ khi thành lập hợp tác xã thủy sản
Nhiều HTX thủy sản ra đời nhưng hoạt động không hiệu quả, dẫn tới nợ kéo dài và đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Hiện tỉnh chủ trương khuyến khích kinh tế tập thể (KTTT) tham gia vào khai thác tiềm năng biển bằng cách vận động thành lập các HTX thủy sản. Để không lặp lại những sai lầm cũ, tinh thần tự nguyện liên kết cùng nhu cầu thực tế từ phía ngư dân được đề cao.
Tự nguyện góp vốn thành lập HTX thủy sản là cơ sở để thành viên có trách nhiệm nâng cao hoạt động HTX. Trong ảnh: Một hộ nuôi trồng thủy sản tại TX Sông Cầu tìm hiểu về mô hình HTX để tham gia thành lập. Ảnh: MINH DUYÊN
Những bài học
Nhìn lại giai đoạn 1997-1999, chương trình đánh bắt xa bờ với nguồn vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho các HTX thủy sản ra đời.
Hoạt động không hiệu quả, các HTX này đã ngừng hoạt động hơn chục năm nay, nhưng vẫn chưa được giải thể do không có khả năng thanh toán nợ với các tổ chức tín dụng và cũng không được xóa nợ. Thống kê từ Sở KH&ĐT cho thấy, toàn tỉnh có 25 HTX còn nợ các tổ chức tín dụng, nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Phú Yên và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền hơn 29,3 tỉ đồng.
Đó chủ yếu là các HTX thủy sản. Về nguyên nhân dẫn tới hậu quả này, theo ông Đặng Kim Ba, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, việc thành lập các HTX thủy sản trước đây còn nóng vội, không có sự chuẩn bị kỹ càng mà chỉ mang tính thành tích. Các HTX này ra đời đa phần vì mục đích khai thác nguồn tín dụng ưu đãi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Hậu quả không chỉ là thất thoát tài sản Nhà nước mà hơn hết còn làm mất lòng tin của ngư dân vào phong trào KTTT. Thực tế này như lời nhắc cho các HTX thủy sản ra đời sau này. Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Cả tỉnh có hơn 100 HTX ngừng hoạt động có vướng mắc, khiến nhiều năm qua chưa thể giải thể. Tới nay, dù đã có Công văn 6563 của Bộ KH&ĐT và Công văn 17 của Bộ Tài chính gỡ vướng bằng cách hướng dẫn hoàn tất thủ tục hành chính và đưa ra phương án giải thể, nhưng riêng với các HTX thủy sản thì vẫn phải tiếp tục chờ chủ trương xóa nợ từ các bộ, ngành trung ương. Đây chính là bài học cho các HTX nói chung, các HTX thủy sản nói riêng về trách nhiệm với đồng vốn đã vay.
“Đặc biệt hiện nay, Nhà nước quan tâm phát triển thành phần KTTT bằng các chính sách ưu đãi tín dụng. Cơ hội này mang tới sự hỗ trợ tích cực cho người dân và các HTX muốn nâng cao hoạt động vì mục tiêu phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư. Nhưng ngược lại cũng khiến nhiều tổ chức, cá nhân có tư tưởng trục lợi bằng cách thành lập HTX để thụ hưởng”, ông Lam nói.
Những HTX ra đời không đúng với bản chất của KTTT, khi không đủ điều kiện vay vốn thì bỏ ngang không giải thể cũng không hoạt động; hoặc được vay vốn nhưng hoạt động một thời gian không hiệu quả thì chây ỳ không thanh toán lãi, gốc vốn vay. Việc này gây ấn tượng xấu về mô hình HTX, tạo tâm lý e dè cho ngư dân khi tiếp cận tìm hiểu để thành lập HTX kiểu mới.
Để hạn chế tối đa tình trạng này, tỉnh chủ trương vận động thành lập các HTX thủy sản trên cơ sở những quy định của Luật HTX năm 2012, Luật HTX (sửa đổi) và tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về KTTT…
Nêu cao tính tự nguyện, tự chịu trách nhiệm
Với đặc thù của lĩnh vực thủy hải sản, các HTX cần hơn hết tinh thần tự nguyện từ các thành viên, bởi chỉ có tự nguyện thì cán bộ HTX mới nỗ lực với trách nhiệm bảo vệ và phát triển nguồn vốn tự đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), cho biết: Nếu là hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ, thành viên HTX cần góp vốn cả tỉ đồng/người mới có tàu lớn cùng các trang thiết bị. Nếu là nuôi trồng thủy hải sản thì vốn cho con giống, phương tiện… ít nhất cũng vài trăm triệu đồng.
Còn nếu HTX muốn hoàn thiện chuỗi giá trị thủy sản từ nuôi trồng, chế biến, xây dựng thương hiệu đến quản trị trên thị trường ngay khi mới ra đời thì số vốn phải lên tới vài chục tỉ đồng. Với số vốn góp lớn như vậy, nếu không thực sự cần liên kết với nhau trên tinh thần tự nguyện, cùng chia sẻ quyền lợi cũng như rủi ro thì khó có thể đồng hành.
Luật HTX năm 2012 và hiện nay là Luật HTX (sửa đổi) định hình mô hình HTX bằng khái niệm HTX là tổ chức KTTT do 7 thành viên tự nguyện thành lập. Yếu tố tự nguyện được thể hiện bằng hình thức góp vốn làm vốn điều lệ. Tự góp vốn thành viên sẽ không còn ỷ lại và tự chịu trách nhiệm với rủi ro nếu có.
Theo ông Lê Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thành viên Ban Vận động thành lập các HTX thủy sản tỉnh, trong Kế hoạch 218 của UBND tỉnh về vận động thành lập các HTX lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, khẳng định mục tiêu của việc vận động là giúp ngư dân hiểu được lợi ích khi tham gia HTX kiểu mới để vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vì vậy, khi tổ chức các lớp tuyên truyền, thay vì chỉ vận động ngư dân, ban vận động còn hướng tới đối tượng là cán bộ các phòng, ban địa phương, cán bộ cấp xã, thôn, khu phố nhằm thay đổi nhận thức cán bộ trong hệ thống chính quyền địa phương về mô hình HTX kiểu mới.
“Địa phương không chỉ là cấp thẩm định, cấp phép hoạt động mà còn là lực lượng tư vấn, hướng dẫn và đồng hành trực tiếp với HTX trong quá trình phát triển. Hơn hết, cán bộ địa phương nắm rõ nhu cầu của bà con. Cán bộ cấp thôn, khu phố, phường, xã còn là những ngư dân, những hộ nuôi trồng thủy sản có kinh nghiệm nghề. Họ sẽ là những hạt nhân quan trọng tập hợp hộ dân vùng biển cùng nhau làm kinh tế trong một tổ chức gọi là HTX. Thay đổi nhận thức để thay đổi hành động là cách ban vận động hướng tới để có được HTX thủy sản mới thực sự ra đời vì đời sống dân biển”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/300649/ne-vet-xe-do-khi-thanh-lap-hop-tac-xa-thuy-san.html