Nên ăn và không ăn gì để tăng đề kháng khi thời tiết thay đổi?

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra các khuyến cáo lựa chọn thực phẩm trong chế độ ăn nhằm tăng đề kháng khi thời tiết giao mùa.

Hiện tại, miền Bắc đang trải qua thời tiết đặc trưng của mùa đông xuân với mưa phùn và độ ẩm cao. Theo dự báo, tình trạng nồm ẩm này dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Thời tiết thay đổi là nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm và bệnh hô hấp gia tăng như cúm mùa, ho, dị ứng... Ngoài việc siêng năng tập thể dục thể thao, thì chế độ ăn uống cũng đóng góp một phần không nhỏ hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và cả giảm bệnh do vi khuẩn gây ra.

Ảnh minh họa: Canva.

Ảnh minh họa: Canva.

Dưới đây là một số lưu ý về các loại thực phẩm nên và không nên ăn khi giao mùa để có thể cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Các loại thực phẩm nên ăn:

Nước canh hoặc nước dùng: Các loại thịt bò, gà hay canh rau củ là nguồn thực phẩm tốt nhất khi mắc bệnh cúm. Nước dùng là tinh chất từ thịt, vì thế hãy uống cả phần nước khi dùng canh để hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thịt.

Bên cạnh đó, uống nước canh ấm sẽ giúp ngăn ngừa mất nước, xoa dịu cơn đau họng và giảm nghẹt mũi.

Ngoài ra, có thể thử nấu món súp gà từ nước dùng gà và các thành phần dinh dưỡng bổ sung trong các thực phẩm nấu kèm.

Thịt gà cung cấp cho cơ thể chất sắt và protein, và các loại rau hầm chung giúp bạn hấp thu thêm chất xơ từ cà rốt, thảo mộc, cần tây… Bạn có thể ăn súp gà liên tục đến lúc khỏi bệnh, nhưng hãy cẩn trọng không nêm muối quá nhiều.

Sữa chua:Sữa chua không chỉ làm dịu cơn đau họng mà còn hỗ trợ tăng cường đề kháng cực tốt, có chứa Protein. Tốt nhất nên ăn sữa chua hàng ngày, nhưng hãy chọn loại không đường và không sử dụng sữa chua lạnh.

Trái cây, rau:Vitamin C có trong các loại trái cây như cam, dâu, cà chua… là vi chất cần thiết để tăng cường miễn dịch cơ thể, giúp bạn nhanh chóng hồi phục. Cơ thể có thể hấp thu hiệu quả qua thực phẩm chứa Vitamin C.

Bông cải xanh: Bông cải xanh được coi là một trong những siêu thực phẩm được các nhà khoa học yêu thích. Chỉ với một lượng nhỏ mỗi ngày, bông cải xanh đã cung cấp đầy đủ cho bạn vitamin C và E giúp tăng cường đề kháng.

Hãy ăn bông cải xanh khi cảm thấy thèm ăn vào giữa hoặc cuối mùa bệnh cúm, vừa giúp bạn mau chóng hồi phục, vừa ngăn bạn khỏi nguy cơ tăng cân khi cảm thấy thèm ăn dai dẳng.

Các loại gia vị:Có rất nhiều loại gia vị tốt cho sức khỏe và hỗ trợ mau chóng hồi phục khi ốm. Các loại gia vị gần gũi như tỏi, gừng, nghệ, tiêu,… có thể hỗ trợ làm ấm cơ thể, tốt cho hệ hô hấp và đem lại các lợi ích khác cho cơ thể, đặc biệt nhất là trong thời điểm hết cúm, thường kéo theo tăng xoang và tắc nghẽn ngực.

Các loại gia vị này đều chứa hàm lượng các chất chống oxy hóa và cao hỗ trợ tăng cường đề kháng. Một số hợp chất kháng viêm cũng được tìm thấy trong những loại gia vị này. Để cải thiện hệ miễn dịch và làm giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể thêm chúng vào các món ăn hàng ngày.

Các loại thực phẩm cần tránh:

Đồ uống có cồn và thực phẩm chứa caffeine: Bia rượu gây giảm hệ thống miễn dịch và làm mất nhiều nước cơ thể. Còn các loại cà phê, trà đen hay soda không những gây mất nước nhiều hơn, mà còn chứa một lượng đường vượt ngưỡng cho phép hằng ngày.

Các thực phẩm cứng: Tránh dùng các thực phẩm cứng như bánh quy, khoai tây chiên và các loại thực phẩm tương tự vì vụn bánh và dầu mỡ sẽ khiến những cơn ho nhiều hơn.

Đồ đóng hộp: Đồ đóng hộp và thức ăn nhanh là thực phẩm đã qua nhiều công đoạn chế biến, nên hàm lượng dinh dưỡng không còn nhiều nữa. Bệnh cúm là căn bệnh thông thường mỗi năm, đó là lúc cơ thể báo hiệu cần được nghỉ ngơi và bồi bổ. Vì thế, chúng ta phải có ý thức hỗ trợ quá trình này bằng cách ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu năng lượng.

Thực phẩm lạnh: như nước đá, nước đá bào có thể khiến cơ thể bị hạ thân nhiệt, có thể dẫn đến bị ho, cảm lạnh. Thực phẩm cay, nóng dễ bị nóng, mụn nhọt… Thực phẩm dễ bị ô thiu do ảnh hưởng thời tiết, môi trường giao mùa dễ làm hỏng, ôi, mốc thực phẩm và gây ngộ độc.

Việc xác định không nên và nên ăn gì tốt cho sức khỏe, hỗ trợ cơ thể giữ nước và mau chóng hồi phục, hết bệnh cảm vặt khi giao mùa là thiết yếu.

Bên cạnh đó, tạo các thói quen sinh hoạt tốt để phòng bệnh khi giao mùa cũng là một bước quan trọng để phòng bệnh giao mùa. Phòng bệnh hay chữa bệnh đều thật quan trọng, hãy xây dựng các thói quen sinh hoạt và ăn uống giúp tăng cường đề kháng

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nen-an-va-khong-an-gi-de-tang-de-khang-khi-thoi-tiet-thay-doi-10300171.html