Nên cấm dạy thêm

Không ai ép buộc nhưng khi thầy cô còn dạy thêm thì nhiều học sinh vẫn phải học thêm vì những lý do khó nói.

Nên cấm dạy thêm ngoài nhà trường để cả thầy cô và học sinh được tập trung vào việc học trên lớp, không phải ganh đua theo bạn bè hay sợ bị phân biệt đối xử vì không đi học thêm (ảnh minh họa)

Nên cấm dạy thêm ngoài nhà trường để cả thầy cô và học sinh được tập trung vào việc học trên lớp, không phải ganh đua theo bạn bè hay sợ bị phân biệt đối xử vì không đi học thêm (ảnh minh họa)

Sáng cuối tuần, tôi về quê thấy đứa cháu lớp 2 vẫn dậy sớm xách cặp để mẹ chở đi học.

Tôi ngạc nhiên hỏi trẻ con mới lớp 2 làm gì mà đã phải học cuối tuần trong khi đã học cả ngày từ thứ hai đến thứ sáu ở trường, cháu lại học khá tốt, tiếp thu nhanh. Chị tôi bảo, cả lớp của cháu đều đi học thêm, giáo viên là cô chủ nhiệm...

Theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Việc dạy thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và dạy thêm ngoài nhà trường với chính học sinh mà mình đang dạy chính khóa là hành vi bị cấm.

Thông tư đã ban hành 12 năm nhưng đến nay vẫn còn hiệu lực cho đến khi có một quy định khác thay thế.

Các cháu được cô giáo chủ nhiệm kèm cặp thêm cũng là việc tốt. Nhưng tôi vẫn băn khoăn phải chăng chương trình học ở trường quá nặng nên học sinh trong lớp phải đến nhà cô chủ nhiệm học thêm vào cuối tuần, buổi tối với sự mệt mỏi, chán chường mới theo kịp? Ngay cả học sinh THCS, THPT cũng vậy. Ngoài một buổi học chương trình chính, học thêm mấy buổi ở trường cũng đi học thêm ở nhà thầy cô giáo. Học thêm như vậy có thực sự hiệu quả hay không? Chị tôi thì bảo cả lớp học mà con mình không học thì dễ bị lạc lõng.

Hồi chúng tôi còn đi học phổ thông cũng vậy. Đi học thêm nhà cô thì được ưu ái, thường học trước chương trình, lên lớp chỉ ôn lại. Có khi gần ngày kiểm tra còn được ôn trúng đề, điểm cao hơn hẳn so với các bạn không đi học thêm. Vì thế, thấy các bạn đi học thêm mà mình không đi thì cả học sinh, phụ huynh đều sốt ruột, sợ bị bỏ lại phía sau. Có trường hợp giáo viên cho bài về nhà khó để học sinh buộc phải đến nhà học thêm mới làm được. Nhiều gia đình than thở tiền học thêm nhiều hơn tiền học chính...

Vậy mới thấy, không ai ép buộc học sinh phải đi học thêm ngoài nhà trường nhưng những áp lực, nỗi sợ vô hình lại khiến học sinh phải học thêm.

Cũng không phải tự nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm nhiều năm nay. Tuy nhiên, quy định cấm dạy thêm đã có từ lâu nhưng không phát huy hiệu lực như mong đợi. Việc dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan.

Ở TP Hải Dương từng có thời gian việc cấm dạy thêm được thực hiện nghiêm ngặt thì có một số giáo viên chuyển sang dạy thêm trực tuyến, thậm chí thuê địa điểm ở địa phương khác để duy trì, dạy chui ở nhà học sinh...

Mấy ngày gần đây, dư luận lại xôn xao việc giáo viên có nên được tổ chức dạy thêm đàng hoàng, chính đáng hay không khi Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo dự thảo, điều 11 quy định, nhà giáo không được "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức". Tất nhiên, việc ép buộc học thêm phải bị cấm. Nhưng vẫn còn đó những lý do khiến người học phải đi học nếu thầy cô vẫn dạy thêm như đã nói ở trên.

Hiện nay, chế độ lương, phụ cấp với nhà giáo đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm và dự kiến sẽ còn tốt lên. Tỉnh Hải Dương cũng đang thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ hằng tháng cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Nhờ vậy, thu nhập, đời sống của nhà giáo đã và đang được cải thiện rõ rệt. Quy định hiện hành cũng không cấm nhà giáo được đi dạy thêm ngoài ở các trung tâm, cơ sở dạy thêm đúng quy định.

Do đó, chúng ta không nên nói rằng giáo viên phải dạy thêm ngoài để sống. Cũng không nên so sánh tại sao bác sỹ có thể khám chữa bệnh ngoài giờ còn giáo viên thì không thể dạy thêm ngoài vì ít ai đi khám chữa bệnh ngoài nếu không đau ốm, cũng không ai buộc phải đi khám vì thấy người khác cũng đi khám...

Nếu thông qua quy định cấm dạy thêm thì trong quá trình thực hiện phải có chế tài xử lý, xử phạt nghiêm với thầy cô vi phạm.

Khi ấy, học sinh, phụ huynh sẽ không phải chịu thêm những áp lực với sức khỏe, trí tuệ và tiền bạc vì dạy thêm, học thêm. Việc học chính khóa, học thêm trong trường học cũng sẽ được chú tâm, chất lượng hơn khi thầy cô chỉ tập trung làm nhiệm vụ chuyên môn của mình và theo đúng chương trình.

Nếu làm được như vậy, học sinh sẽ có môi trường học tập lành mạnh, cạnh tranh công bằng và thực chất hơn.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nen-cam-day-them-399033.html