Nên chuyển điện than Công Thanh sang LNG
Với lợi thế có sẵn mặt bằng, có thể tận dụng trung tâm LNG Nghi Sơn, theo các chuyên gia, nên cân nhắc sớm chuyển điện than Công Thanh sang LNG.
Đã có sẵn mặt bằng, vốn
UBND tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chuyển điện than Công Thanh sang làm điện khí LNG. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại về khả năng thu xếp vốn khi tổng mức đầu tư tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Công Thanh cho biết: LNG đang là xu hướng của thế giới, do đó, việc thu xếp vốn để chuyển đổi nhà máy than sang LNG đã hoàn tất. Hiện chúng tôi đã ký quỹ với tổ hợp nhà đầu tư, gồm: tập đoàn BP sẽ cung cấp khí cho dự án, tập đoàn GE cung cấp thiết bị và Quỹ đầu tư Actis thu xếp tài chính.
Theo nhận định của chủ đầu tư nhiệt điện Công thương, Quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện LNG đạt 22.400 MW, tuy nhiên, sẽ khó thực hiện được bởi nhiều nhà đầu tư đang đòi hỏi các điều khoản rất “căng”.
“Các nhà đầu tư đòi rất nhiều ưu đãi. Hợp đồng mua bán điện phải đảm bảo mua hết 90% sản lượng điện sản xuất ra. Họ còn đề nghị Nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thanh toán thay cho EVN trong trường hợp EVN không thực hiện cam kết thanh toán theo hợp đồng và bồi thường thiệt hại trực tiếp cũng như thiệt hại phát sinh khi chấm dứt Hợp đồng mua bán điện (PPA) do EVN không có khả năng thanh toán trong dự án điện khí. Họ cũng đề nghị phải bảo đảm việc chuyển đổi một phần ngoại tệ của dự án trên cơ sở khả năng cân đối ngoại tệ tương đương mức cam kết hiện hành của Nhà nước cho các dự án BOT điện (30% doanh thu dự án).
Trong khi đó, chúng tôi không cần những điều đó”, vị này nhấn mạnh.
Vì thế, nhà đầu tư này không khỏi sốt ruột khi nhìn thấy nguy cơ thiếu điện hiện hữu những năm tới.
“Chỉ còn 7 năm để thực hiện các dự án điện khí, nếu các dự án không kịp tiến độ sẽ lãng phí thời gian, nguy cơ thiếu điện rõ ràng. Trong khi đó, LNG cũng là điện hóa thạch nên có thể đến năm 2030 các ngân hàng sẽ không tài trợ vốn nữa. Do đó, bây giờ chúng ta cần đẩy nhanh các dự án điện khí LNG. Dự án nào triển khai nhanh được đề nghị cho triển khai, kể cả dự án điện than chuyển đổi sang LNG nếu đủ các điều kiện để tránh tình trạng thiếu điện thời điểm nắng nóng”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm về kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa, chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn (Hiệp hội năng lượng Việt Nam Nam) ủng hộ việc chuyển đổi nhiệt điện than Công Thanh sang LNG.
Về lý thuyết thì “ổn”, tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý tính khả thi của dự án sẽ phụ thuộc yếu tố quy mô. “Nếu cụm LNG Nghi Sơn chậm thì một tổ máy 750MW hay 1.000 MW cũng không đủ để làm kho cảng hiệu quả”
Đề cập đến chuyển dự án nhiệt điện Công Thanh sang dùng khí LNG, một chuyên gia của Bộ Công thương cho biết, Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII cũng đã mở ra hướng chuyển đổi từ điện than sang LNG cho những dự án chậm tiến độ, không thu xếp được vốn. Tuy nhiên, việc cho phép chuyển đổi hay không sẽ còn phụ thuộc vào các cuộc làm việc giữa Bộ Công thương với nhà đầu tư và tỉnh. Bộ Công thương phải xem xét cơ cấu nguồn điện có còn phù hợp không, giá điện có bị tác động nhiều không, năng lực của chủ đầu tư, cũng như những đơn vị tham gia vào tổ hợp nhà đầu tư có đảm bảo để làm dự án này hay không, các điều kiện kỹ thuật có phù hợp để chuyển đổi không.
Điện khí LNG là tất yếu
Không chỉ với dự án nhiệt điện Công Thanh, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, xác định đến năm 2030 cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 25,7% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW chiếm 14,9%.
Với cơ cấu nguồn điện như trên, cùng với định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện thì vai trò chạy nền của các nhà máy điện khí LNG trong hệ thống điện là điều tất yếu. Bởi vì đây là nguồn điện duy nhất không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió và điện mặt trời.
Theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong giai đoạn căng thẳng hệ thống điện vừa qua, trường hợp các nhà máy nhiệt điện khí chạy dầu diesel (DO) bổ sung thêm nguồn cung khí nội địa sẽ có giá thành nhiên liệu (xấp xỉ 23 đô/mmbtu) cho phát điện cao gần gấp đôi so với sử dụng khí LNG theo giá thị trường thế giới (11-13 đô/mmbtu).
Đại diện PVN cho rằng: Như vậy, việc đưa LNG vào bổ sung cho nguồn khí nội địa góp phần làm giảm đáng kể giá thành phát điện của các nhà máy điện tua bin khí so với chạy thay thế bằng dầu DO, FO chưa xét tới khía cạnh môi trường, tỷ lệ chuyển hóa năng lượng từ dầu thấp hơn và chi phí bảo dưỡng tăng thêm khí chạy tua bin khí bằng dầu.
Ngoài ra, lợi thế của các nhà máy điện khí LNG là tính sẵn sàng cao không phụ thuộc vào thời tiết, công suất lớn với dãi điều chỉnh rộng, thời gian đáp ứng nhanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính CO2, đặc biệt giảm thiểu khí gây ô nhiễm SOx, NOx so với các nhà máy điện chạy than và dầu.
“Việc đưa LNG vào sử dụng còn phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 và xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải”, PVN nhấn mạnh.
Do đó, theo các chuyên gia, với những dự án đủ điều kiện về mặt bằng và vốn, đảm bảo thời gian triển khai nhanh như nhiệt điện Công Thanh, Bộ Công thương và Chính phủ nên xem xét cho phép chuyển đổi sang dùng khí LNG càng sớm càng tốt. Đây là một hướng đi quan trọng để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc những năm tới.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nen-chuyen-dien-than-cong-thanh-sang-lng-d600777.html